Theo luật sư, trong quá trình điều tra vụ án tại Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn, cơ quan điều tra sẽ phân loại các trường hợp đã được cấp giấy phép lái xe để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn cấp chứng chỉ trái quy định
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đang điều tra vụ án Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn và một số đơn vị, địa phương liên quan.
Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn dạy lý thuyết, thực hành không đúng quy định; giao cho cá nhân ngoài xã hội không có chức năng tự đào tạo lái xe, và hợp thức hóa hồ sơ của học viên. Sau đó, Trung tâm cấp chứng chỉ nghề sơ cấp cho 39.021 học viên trái quy định.
C03 xác định 63.458 học viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án. Vì vậy, để phục vụ điều tra và đảm bảo quyền lợi của người học lái xe, C03 đề nghị toàn bộ người học lái ôtô hạng B1, B2 và C từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023 tại trung tâm này liên hệ làm việc tại trụ sở Bộ Công an (47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu và giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, tháng 4/2023, C03 đã bắt ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn để điều tra về tội Giả mạo trong công tác. 8 tháng sau, ông Hòa bị khởi tố thêm tội Nhận hối lộ, với cáo buộc nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong sát hạch lái xe.
Giấy phép lái xe đã được cấp sai có thể bị hủy bỏ
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, điều đáng chú ý trong vụ án này là ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội giả mạo trong công tác, đưa hối lộ, nhận hối lộ để xử lý đối với những người phạm tội, cơ quan điều tra xác định vụ án có liên quan đến hơn 63.000 học viên đã từng theo học tại trung tâm. Họ được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Với những học viên mà không có lỗi, ngay tình sẽ có quyền lợi được yêu cầu trung tâm dạy nghề trả lại tiền, bồi thường thiệt hại, những người này được xác định là người có quyền lợi liên quan.
Với những học viên có lỗi, không ngay tình, được gọi là người có nghĩa vụ liên quan sẽ phải nộp lại giấy phép lái xe, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội nhận hối lộ, đưa hối lộ.
Theo ông Cường, trong quá trình giải quyết vụ án cũng có thể có học viên tham gia đào tạo sát hạch ở cơ sở dạy nghề này bị cơ quan điều tra xác định có căn cứ để kết luận đã thực hiện hành vi đưa hối lộ thì sẽ bị xử lý hình sự nếu số tiền đưa hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên.
Khi đó từ tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ được xác định là bị can thực hiện hành vi đưa hối lộ trong vụ án.
Vụ Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn cấp chứng chỉ trái quy định: Giấy phép của học viên có bị thu hồi? – Ảnh 3.
Với những học viên tham gia đào tạo sát hạch để được cấp giấy phép lái xe ở trung tâm nếu không thực hiện hành vi đưa hối lộ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những giấy tờ giả về mặt hình thức, nếu người nào làm giả giấy tờ tài liệu rồi sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự.
Vị chuyên gia cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ phân loại các trường hợp đã được cấp giấy phép lái xe để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hủy bỏ hoặc công nhận giá trị sử dụng.
Nếu trường hợp giấy phép lái xe được cấp sai quy định, sai về thủ tục hành chính như thiếu giờ lý thuyết, giáo viên không đạt chuẩn nhưng có thể sửa đổi khắc phục và sát hạch lại, vẫn có thể công nhận giấy phép lái xe đó nếu học viên đạt điều kiện.
Trường hợp sai phạm nghiêm trọng, không đủ điều kiện để công nhận kết quả kiểm tra lý thuyết, giáo viên không đạt điều kiện tiêu chuẩn và không tổ chức sát hạch lại hoặc tổ chức sát hạch lại nhưng học viên không đạt điều kiện, chứng chỉ đó bị thu hồi, hủy bỏ.
Về nguyên tắc chung là các giấy tờ giả, các giấy phép lái xe được ra đời do hành vi giả mạo trong công tác sẽ không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các học viên, cơ quan điều tra có thể phối hợp với cơ quan chức năng để tạo các điều kiện thuận lợi cho học viên hoàn tất các thủ tục, thậm chí có thể sát hạch lại để kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng lái xe trước khi quyết định có công nhận hoặc không công nhận các giấy phép lái xe này.
Để lại một phản hồi