Trong phiên tòa vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo là cựu Đại sứ, Tổng lãnh sự quán khai nhận hối lộ hàng tỷ đồng từ doanh nghiệp; có Đại sứ còn chỉ đạo tăng giá tiền thu làm hộ chiếu hoặc ra giá cho mỗi du học sinh phải chi thêm hàng trăm USD mới được về nước.
Không ‘kiên quyết’ trả tiền hối lộ
Ngày mai 17/7, phiên xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” sẽ bước sang phần tranh luận.
Trước đó, trong 4 ngày xét hỏi liên tục, HĐXX đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ”, lời khai của các bị cáo tại tòa gây bức xúc trong dư luận.
Ở nhóm phạm tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng
Cáo trạng xác định, năm 2018, bị cáo Nam được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại sứ quán, trong đó có việc bảo hộ công dân.
Thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Do số lượng công dân tại Nhật rất lớn, bị cáo Nam đã gửi nhiều công điện, điện mật đề nghị Chính phủ tăng cường các chuyến bay.
Sau đó, Nam ký các công điện gửi UBND các tỉnh: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên, xin cách ly cho công dân và gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Y tế, Cục Lãnh sự… để xin phê duyệt chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Từ tháng 11/2020 – 9/2021, bị cáo Nam đã xin phê duyệt được 6 chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật về giao cho Công ty Nhật Minh do ông Lê Văn Nghĩa làm Giám đốc.
Khai tại toà, bị cáo Nam thừa nhận giúp Công ty Nhật Minh bán vé máy bay. Theo ông, doanh nghiệp này xuất hiện đúng thời điểm mà Đại sứ quán đang xin cấp phép chuyến bay nên chấp nhận hợp tác. Quá trình thực hiện, bị cáo Nam hai lần được ông Nghĩa ‘biếu’ các túi quà bên trong có 60.000USD và 450 triệu đồng.
“Bị cáo mang túi quà về nhà mở ra mới biết là tiền, bị cáo sau đó có liên hệ để trả lại cho doanh nghiệp nhưng không kiên quyết. Đây là lỗi lầm bị cáo phải trả giá cho sai phạm của mình”, ông Nam trầm giọng.
Bị cáo Vũ Hồng Nam.
Còn bị cáo Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) được cơ quan tố tụng xác định có hai lần nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cũng là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Travelsky).
Khi khai báo, ông Hà thừa nhận, từ đầu tháng 3/2021, bị cáo Hằng đã bàn với Hà về việc tổ chức chuyến bay giải cứu đưa công dân về Việt Nam từ Osaka. Sau bàn bạc, ông Hà ký các công văn gửi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự, kiến nghị được tổ chức chuyến bay.
Theo lời khai của cựu Tổng lãnh sự, lúc đưa tiền, bị cáo Hằng nói đây là quà của công ty. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết đấy là 5% lợi nhuận của “chuyến bay giải cứu” đầu tiên.
Ở chuyến bay thứ 2, ông Hà cho biết, bị cáo Hằng đề nghị giúp nhưng không đặt vấn đề tiền bạc. Chuyến bay hoàn thành, Hằng tiếp tục đưa cho ông một gói quà, bên trong có 600 triệu đồng. “Bị cáo cảm thấy ăn năn, không ổn khi nhận tiền nên đã chuyển trả tiền cho bị cáo Hằng”, ông Hà nhận tội.
Ra giá với trường hợp là du học sinh
Cũng tại phần xét hỏi, bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do) khai, có hai lần hối lộ tổng số tiền 437 triệu đồng cho bị cáo Lý Tiến Hùng (nguyên Bí thư thứ Nhất Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga).
Trong vụ án, Thúy biết ông Hùng phụ trách lưu học sinh tại Nga, nên liên hệ để đặt vấn đề đưa sinh viên đang du học bị mắc kẹt vì dịch về nước.
Theo Thúy, ban đầu khi gửi danh sách các sinh viên cho ông Hùng thì hai bên không có thỏa thuận gì. Tuy nhiên sau khi đưa được sinh viên về nước thì Hùng yêu cầu bị cáo phải gửi tiền cảm ơn. Ông Hùng đưa ra giá chung chi khoảng 500 USD trên một sinh viên tham gia chuyến bay về nước, đối với những trường hợp sinh viên khó khăn ông Hùng không lấy tiền, hoặc lấy ít hơn.
Ông Hùng đã lập danh sách công dân Việt Nam gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có khách của Thúy đa phần là sinh viên đang du học tại Nga. Đến khi vụ án bị điều tra, bị cáo Thúy nhận ra sai phạm của mình nên tự nguyện tự thú. Đồng thời, nộp lại số tiền hưởng lợi 114 triệu đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Cựu Đại sứ đòi doanh nghiệp đưa hối lộ
Đối với hành vi “Nhận hối lộ” của bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Angola) cũng được tòa làm sáng tỏ thông qua lời khai của bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Công ty Vijasun).
Cáo trạng xác định, từ tháng 1/2022, Công ty Vijasun được cấp phép tổ chức chuyến bay từ Angola về Việt Nam, đưa 298 công dân về nước cách ly. Sau khi hoàn thành chuyến bay, bị cáo Dương hối lộ cho bị cáo Minh 864 triệu đồng.
Khai với HĐXX, bị cáo Đào Minh Dương cho hay, đưa hối lộ cho bị cáo Minh là do người này chủ động “đưa ra yêu sách”. Khi ông Dương liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola để nhờ giúp đỡ trong việc làm thủ tục chuyến bay, ông Minh ra nhiều điều kiện, trong đó, ngã giá 3 triệu đồng/khách.
Bị cáo Vũ Ngọc Minh.
Trong khi ông Minh lại phủ nhận, cho rằng lời khai của Dương không đúng. Theo ông Minh, khi thực hiện chuyến bay giải cứu, phía Công ty Vijasun có liên hệ với Đại sứ quán và đề nghị được hỗ trợ đưa công dân về nước.
Do bị cáo Vũ Ngọc Minh không thừa nhận, HĐXX gọi bị cáo Đào Minh Dương lên đối chất. Bị cáo Dương tiếp tục giữ nguyên lời khai và trình bày, trong một lần ông Minh về Việt Nam, bị cáo tới gặp và đặt vấn đề tổ chức chuyến bay từ Angola. Ông Minh đồng ý nhưng đưa ra 3 điều kiện: “Danh sách công dân về nước phải thông qua ông Minh; tất cả người về phải do ông Minh kiểm soát; doanh nghiệp không được thu tiền của bất cứ ai nếu đại sứ quán không đồng ý”.
Ngoài ra, Dương cho biết, “ông Minh còn hỏi phần của tôi cậu tính thế nào”, rồi tự đòi mức chi 5 triệu đồng/khách. Trước yêu cầu của ông Minh, Dương xin xuống 3 triệu đồng/khách nhưng anh Minh không đồng ý, phải đến lần gặp thứ hai, ông này mới chấp nhận mức giá như trên.
Bị cáo Dương khai thêm, đến tháng 1/2022, chuyến bay từ Angola mới được thực hiện. “Khi biết tin, anh Minh gọi điện, nói chuyến bay thành công tốt đẹp nhỉ, còn chuyện của anh thì thế nào? Tôi phải chuyển 864 triệu đồng, đúng mức giá 3 triệu đồng/khách”, Dương nói.
Khi ông Dương dứt lời, bị cáo Minh cười, rồi cho rằng tất cả những lời trên là do ông Dương tự bịa ra, thực tế hoàn toàn không có. Ông Minh thừa nhận có nhận 864 triệu đồng từ ông Dương, nhưng không phải do mình ép buộc.
Thu tiền chênh lệch của tù nhân để bồi dưỡng cán bộ
Riêng trường hợp của bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cùng 3 thuộc cấp bị cáo buộc phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Viện kiểm sát cáo buộc, từ tháng 5/2020 – 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức 8 chuyến bay giải cứu, đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ về nước.
Để được về, mỗi người mãn hạn tù phải đóng cho đại sứ quán 20,3 triệu đồng/người; người không có hộ chiếu đóng 25 triệu và người ở đảo xa phải bay về thủ đô Kuala Lumpur phải nộp từ 30 – 35 triệu đồng.
Đối với khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.
Viện kiểm sát quy kết ông Thái và các thuộc cấp đã thu 44,6 tỷ đồng của số người kể trên nhưng chi phí chỉ hết 33 tỷ đồng. Số dư hơn 11 tỷ đồng còn lại, ông Thái và cấp dưới giữ 5 tỷ đồng và chia nhau, ông Thái hưởng lợi 580 triệu đồng.
Bị cáo Trần Việt Thái.
Quá trình xét hỏi, ông Thái cho rằng, cáo trạng buộc tội ông và thuộc cấp thu tiền của các tù nhân ở các trại chờ “vượt quy định là rất khó”.
Theo ông, những người mãn hạn tù trong các trại chờ gồm người đánh bắt cá trộm, lao động trái phép, người mãn hạn tù và những cô gái làm “đào”. Thời điểm dịch bùng phát, nắm bắt được thông tin có nhiều “cò môi giới” về nước với giá 40 – 80 triệu đồng/người, bị cáo đã cử cấp dưới xuống khảo sát, lên kế hoạch đưa công dân về nước.
“Chi phí cho người về nước được thu từ các chủ sử dụng lao động, nếu chủ không trả sẽ thu từ thân nhân, khi thân nhân từ chối thì Đại sứ quán mới đứng ra chi”, ông Thái khai.
Về số tiền làm hộ chiếu bị thu chênh, bị cáo Thái cho hay, những người Việt Nam tại Malaysia khi bị bắt thường không có giấy tờ hợp lệ vì chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu của họ, còn người đi đánh bắt cá trộm sẽ vứt hộ chiếu khi bị bắt. Do đó, ông cùng cấp dưới đã thu 150 USD/hộ chiếu, kèm 50 USD phí xác minh.
Ông Thái thừa nhận số tiền thu chênh lệch của người về nước so với chi phí là hơn 11 tỷ đồng. Lý do số tiền chênh được ông giải thích cần “dự phòng khi có tình huống khẩn cấp”. Tuy nhiên, số tiền này không dùng đến, bị cáo Thái chỉ đạo giữ lại 5 tỷ đồng, phần còn lại bồi dưỡng cho cán bộ. “Làm việc phải bồi dưỡng cho cán bộ trại của Malaysia mà lại không bồi dưỡng người Việt dù cùng làm, cùng chịu rủi ro thì khó huy động anh chị em”, cựu Đại sứ khai.
Để lại một phản hồi