Vì sao khởi tố cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng?

Ông Mai Tiến Dũng

Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam ông Mai Tiến Dũng – cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – để điều tra sai phạm liên quan vụ án tại tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể ra sao?

Ngày 4-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an – cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam ông Mai Tiến Dũng.

Ông Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin về việc khởi tố ông Mai Tiến Dũng

Liên quan vụ án tại Lâm Đồng

Theo ông Xô, ông Mai Tiến Dũng bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh trên, Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan đã thực hiện thủ tục tố tụng. Các quyết định tố tụng với ông Dũng được ban chuyên án thực thi hôm 30-4.

Thông tin thêm, ông Xô nói: Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố trong quá trình cơ quan điều tra mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, đầu tháng 1 tại Lâm Đồng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trần Đức Quận (khi bị bắt là bí thư Tỉnh ủy) và ông Trần Văn Hiệp (khi bị bắt là chủ tịch UBND tỉnh). Ông Quận bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, còn ông Hiệp bị điều tra tội nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra xác định ông Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan dự án Đại Ninh. Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Liên quan vụ án này, Cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội nhận hối lộ. Riêng bà Trần Bích Ngọc – vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ – cũng bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tháng 3-2023, ông Mai Tiến Dũng bị Thủ tướng cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Quyết định kỷ luật hành chính do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng ngày 9-3. Ông Dũng cũng bị Ban Bí thư cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng “đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước”.

Ông Dương Văn Thái

Vụ Thuận An: ai liên quan hãy tự thú

Liên quan diễn biến điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, trung tướng Tô Ân Xô cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Ông Thái bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo ông Xô, ông Thái bị bắt trong quá trình cơ quan điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại Tập đoàn Thuận An. Đến nay đã có 8 người bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này.

“Tài liệu điều tra cho thấy giai đoạn từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2023 Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp liên doanh, tham gia 38 gói thầu tại 16 tỉnh thành với tổng trị giá trên 23.000 tỉ đồng. Đáng chú ý trong năm 2022-2023 tập đoàn này phát triển nóng, trúng các gói thầu trị giá 18.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều gói thầu trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19”, ông Xô thông tin.

Ông Xô cho hay đến nay các bị can Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch Tập đoàn Thuận An), Phạm Thái Hà (cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý chủ tịch Quốc hội), Dương Văn Thái đã “khai báo thành khẩn với nhiều chi tiết, tình tiết để làm rõ vụ án”. Một số bị can bị bắt trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An đã khắc phục hậu quả thiệt hại gây ra.

“Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi ai mắc sai phạm liên quan vụ án này thì trung thực báo cáo tổ chức hoặc tự thú để hưởng khoan hồng”, ông Xô nhấn mạnh.

Quyết liệt hơn nữa

Tại cuộc họp báo, ông Tô Ân Xô thông tin khi lãnh đạo ban chuyên án báo cáo với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về một số vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Tổng bí thư đã có lời khen ngợi lực lượng công an đã quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Xô nói.

Chuẩn bị kỹ để thực hiện cải cách tiền lương
Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan cần chuẩn bị kỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1-7. Việc cải cách tiền lương phải đảm bảo công bằng, tổng thể, thống nhất.

Thủ tướng còn yêu cầu không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, đặc biệt là không tăng giá vào thời điểm tăng lương. Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công.

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*