Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nêu rõ: trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn; không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 01/2024, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết có hiệu lực từ 1.7.2024.
Theo quy định tại khoản 3 điều 51 luật Hôn nhân và gia đình, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Để hướng dẫn chi tiết về quy định trên, Nghị quyết 01/2024 định nghĩa “đang có thai” là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
“Sinh con” là một trong các trường hợp sau: vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi; vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con; hoặc vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Nghị quyết nêu rõ, chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con.
Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tương tự, chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Phó giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, các quy định nêu trên về quyền ly hôn của chồng không phải là mới, đã được quy định tại luật Hôn nhân và gia đình, nay được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Trước đây, luật Hôn nhân và gia đình chỉ quy định “chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con”, không liệt kê thai hoặc con là của chồng hoặc của người khác.
Việc không liệt kê đôi khi dẫn tới có những quan điểm khác nhau, nhất là với trường hợp vợ mang thai hoặc sinh con không phải với chồng. Có người cho rằng, do vợ không mang thai với mình, chồng có quyền yêu cầu ly hôn; ngược lại, có người nói dù mang thai với ai thì chồng cũng không được quyền yêu cầu ly hôn.
Nay, với hướng dẫn chi tiết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, các cơ quan tố tụng sẽ có nhận thức và áp dụng thống nhất về điều này.
Nếu xảy ra trường hợp vợ mang thai hoặc sinh con không phải với chồng và chồng yêu cầu ly hôn, tòa án có thể từ chối thụ lý ngay từ đầu, thay vì như trước đây vẫn thụ lý, sau đó xem xét, cân nhắc rồi mới không chấp nhận yêu cầu ly hôn.
Vẫn theo luật sư Chu Thị Út Quỳnh, quy định tại luật và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Bởi lẽ, trong thời gian mang thai, sinh con, người phụ nữ đối mặt với nhiều áp lực cả về sức khỏe và tinh thần. Nếu tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu ly hôn từ người chồng, rất có thể xảy ra những hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng tiêu cực đến người mẹ và đứa trẻ.
Ngược lại, người chồng nếu có nguyện vọng ly hôn thì phải/nên chờ hết thời gian người vợ mang thai, sinh con theo quy định. Việc này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến quyền và lợi ích của họ.
Để lại một phản hồi