Trong năm 2024, những trường hợp này xây nhà không cần phải xin giấy phép xây dựng, ai không biết sẽ lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Chắc ai cũng biết, trước khi xây nhà thì đều làm thủ tục xin cấp phép xây dựng khá phức tạp. Tuy nhiên, trong năm 2024, những trường hợp này xây nhà không cần phải xin giấy phép xây dựng, ai không biết sẽ lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Giấy phép xây dựng là gì?
Giấy phép xây dựng là giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư khi muốn xây dựng, sửa chữa hoặc tiến hành di dời một công trình xây dựng nào đó. Với những chủ đầu tư những công trình thi công trái với giấy phép xây dựng, hoặc không có giấy phép xây dựng thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng
Theo khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014, có 9 trường hợp được miễn cấp giấy chứng nhận bao gồm:
+ Công trình xây dựng bí mật nhà nước, công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên và công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp. Vì có tính khẩn trương cần gấp nên những công trình này sẽ không cần xin giấy phép xây dựng.
Việc xác định công trình nào là công trình khẩn cấp căn cứ vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại thời điểm xây dựng. Là công trình phải triển khai cấp bách nhằm các mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; an toàn sinh mạng của cộng đồng dân cư.
+ Những công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư; những công trình này cũng sẽ không cần xin giấy phép xây dựng
+ Những công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đồng thời đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã được thẩm định thiết kế xây dựng. Và như vậy, những công trình này không cần xin giấy phép xây dựng
+ Những công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận về hướng tuyến công trình. Thường là những công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị bao gồm các công trình như đường sắt, đường bay, đường dây tải điện, đường cáp viễn thông, đường ống dẫn dầu… nên không cần xin giấy phép xây dựng.
+ Những công trình xây mang tính chất dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính (Ví dụ: xây dựng nhà ở tạm bợ cho công nhân, thợ xây ở tạm trong quá trình xây nhà, xây dự án) thì cũng không cần xin giấy phép xây dựng.
+ Những công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và tại khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt thì cũng không cần phải xin giấy phép xây dựng.
+ Những công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường và an toàn của công trình hiện tại thì không cần phải có giấy phép xây dựng.
+ Những công trình nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 07 tầng, tổng diện tích mặt sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì cũng không cần phải xin giấy phép xây dựng.
+ Những công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ nằm trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa được Nhà nước công nhận thì không cần phải xin giấy phép xây dựng.
Như vậy, có 9 trường hợp trên đây không cần phải xin giấy phép xây dựng. Còn các trường hợp khác sẽ cần phải có giấy phép xây dựng nếu không chủ đầu tư sẽ phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật.
Xây nhà không có giấy phép xây dựng bị phạt như thế nào?
+ Mức phạt tiền khi không có giấy phép xây dựng
Theo khoản 5 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, mức phạt với hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
+ Mức phạt tiền đối với hành vi tái phạm
*Trường hợp xây dựng không có giấy phép đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm (Khoản 8 điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP). Mức phạt với hành vi này như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa
– Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị
– Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng
* Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm (khoản 9 điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP). Mức phạt với hành vi này như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa
– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị
– Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng
Để lại một phản hồi