Trung Quốc bị nghi xây thêm đảo nhân tạo ở Biển Đông

Cảnh sát biển Philippines theo dõi tàu Trung Quốc gần bãi cạn Sabina vào năm 2021. Ảnh: PCG

Philippines thông báo phát hiện tàu Trung Quốc có dấu hiệu bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Sabina trên Biển Đông, nên điều tàu giám sát.

Người phát ngôn Cảnh sát Biển Philippines (PCG) Jay Tarriela ngày 13/5 thông báo lực lượng này sẽ duy trì hiện diện thường xuyên gần bãi cạn Sabina để đảm bảo Trung Quốc không thể tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo nào tại đây.

Sabina là thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng Trung Quốc coi đây là thực thể thuộc yêu sách chủ quyền đối với Nam Sa, tên gọi mà Bắc Kinh sử dụng để chỉ quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Cảnh sát biển Philippines theo dõi tàu Trung Quốc gần bãi cạn Sabina vào năm 2021. Ảnh: PCG

Ông Tarriela cuối tuần trước cho hay PCG đã triển khai tàu BRP Teresa Magbanua đến bãi cạn Sabina từ ngày 15/4, sau khi giới chức nước này phát hiện nhiều đống san hô bị nghiền nát được đổ lên bãi cạn, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách bồi đắp thực thể này.

PCG phát hiện 34 tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng xuất hiện trong khu vực, được hộ tống bởi tàu hải quân, trực thăng và 4 tàu hải cảnh.

Ông nói Philippines sẽ không “nhún nhường” và “tiếp tục thực thi hiệu quả” tuyên bố chủ quyền của Manila đối với bãi cạn bằng cách luân phiên triển khai tàu duy trì hiện diện tại đây.

Francel Margareth Padilla, người phát ngôn quân đội Philippines, hôm nay cho biết các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Sabina “đã bị ngăn chặn” sau hoạt động giám sát của PCG. Padilla cho hay tàu Trung Quốc hiện diện gần Sabina trong 26 ngày liên tục.

“Mọi hoạt động cải tạo đảo ở bãi cạn đã chấm dứt. Dù PCG vẫn phát hiện thợ lặn ở khu vực này, chúng tôi đã ngăn chặn hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn”, bà Padilla nói.

Tàu BRP Teresa Magbanua, dài hơn 96 m, là tàu tuần tra lớn nhất trong biên chế PCG. Con tàu được Nhật chuyển giao cho Philippines năm 2022, trong khuôn khổ thỏa thuận tăng cường năng lực an toàn hàng hải giữa hai nước.

Vị trí bãi cạn Sabina, nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140 km) về phía tây. Đồ họa: GMA

Tarriela nhận định việc Trung Quốc triển khai dân quân biển, hải cảnh, tàu nghiên cứu và hải quân đến gần bờ biển Palawan là diễn biến “gây lo ngại, đe dọa chủ quyền và gây thiệt hại đáng kể đối với môi trường biển” Philippines.

Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố của quân đội và cảnh sát biển Philippines.

Trong vài tháng qua, Philippines đã nhiều lần cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát nguy hiểm hoặc phun vòi rồng vào tàu PCG hoạt động trên Biển Đông.

Các vụ chạm trán liên tục giữa lực lượng chấp pháp biển hai nước đang khiến khu vực và quốc tế lo ngại căng thẳng leo thang mất kiểm soát và dẫn đến hậu quả nguy hiểm.

Trung Quốc từ năm 2011 đã bồi đắp trái phép 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động quân sự hóa.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành vi vi phạm chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*