Theo quy hoạch, trong tương lai, tỉnh này sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao…
Hà Nam tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1686 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên là 861,93 km2, đây là tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam (sau tỉnh Bắc Ninh 822,71 km2); gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục.
Theo nội dung phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp – công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế – xã hội lớn.
Bên cạnh đó, Hà Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 – 2030 đạt 758 nghìn tỷ đồng; phấn đấu kinh tế số chiếm 25-30% GRDP…
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nam phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, bền vững với các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, thể dục thể thao.
Đặc biệt, Hà Nam tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nam phát triển công nghiệp – công nghệ cao – đô thị – dịch vụ du lịch thương mại.
Giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam phát triển đô thị – công nghiệp – công nghệ cao – dịch vụ du lịch thương mại.
Để lại một phản hồi