Sáng 19-5, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”.
Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng ngàn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
“Hôm nay, chúng ta rất vui mừng, xúc động tới dự lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người tại Bệnh viện Việt Đức, là bệnh viện tuyến Trung ương hàng đầu về phẫu thuật của cả nước. Đây một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, sự kiện này càng đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào ngày 19-5 là Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ của dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay và đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, truyền thống quý báu này còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi” của hàng ngàn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã đăng ký hiến tặng mô, tạng tại lễ phát động
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá rất cao sự tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.
“Chúng ta rất tự hào dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định, lĩnh vực ghép tạng ở nước ta đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc. Đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên bệnh nhân được ghép tạng đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới và là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ XX. Đây cũng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng; các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, số người hiến, tặng mô, tạng vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của những người bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng.
“Cả nước đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như: thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết; đồng thời cho rằng, thành công của các ca ghép tạng này không chỉ là dấu ấn của ngành Y tế mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần, truyền thống “tương thân, tương ái” của con người Việt Nam.
Để lại một phản hồi