Việc tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) là một biện pháp hiệu quả dành cho người bệnh trong trường hợp gặp phải tình huống ốm đau hay tai nạn. Tuy nhiên, nếu thẻ BHYT của bạn hết hạn trong khi đang điều trị tại bệnh viện, liệu bạn có được hưởng quyền lợi bảo hiểm hay không?
Đang nằm viện mà thẻ BHYT hết hạn có được hưởng tiếp BHYT?
Khoản 4 Điều 16 Luật BHYT 2008 đã quy định một trong các trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng là thẻ đã hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người tham gia BHYT thì vẫn có trường hợp thẻ BHYT đã hết hạn nhưng người bệnh vẫn được hưởng các quyền lợi về BHYT.
Trường hợp này được ghi nhận cụ thể tại khoản 9 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng.
Theo đó, nếu người bệnh đang nằm viện mà thẻ BHYT hết hạn thì tiếp tục được hưởng các quyền lợi về BHYT đến khi ra viện nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn.
Bên cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị phải thông báo cho người đó và cơ quan bảo hiểm xã hội để người bệnh tiếp tục tham gia BHYT.
Theo đó, nếu người bệnh vẫn phải nằm viện dài ngày thì cần tiến hành gia hạn thẻ BHYT trong 15 ngày kể từ ngày hết hạn để đảm bảo các quyền lợi về BHYT.
Làm sao để biết thẻ BHYT còn hạn sử dụng?
Thực hiện theo Công văn 3340/BHXH-ST, từ ngày 01/8/2017 sẽ không ghi thời điểm hết hạn sử dụng trên thẻ BHYT, do đó, hiện nay trên thẻ BHYT chỉ còn ghi thời điểm bắt đầu có giá trị sử dụng.
Bởi vậy, để biết được thời hạn sử dụng của thẻ BHYT, người bệnh có thể tra cứu theo một trong các cách sau:
Cách 1: Tra cứu trực tuyến:
Bước 1: Truy cập đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx
Bước 2: Nhập mã thẻ, Họ tên, Ngày tháng năm sinh
Sau khi điền đầy đủ thông tin và chọn “Tra cứu” thì Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ trả về kết quả được hiển thị như sau:
Thông báo:
– Thông tin Họ tên, ngày sinh và giá trị sử dụng thẻ BHYT;
– Trên thẻ BHYT hiển thị Họ tên và mã số BHXH của người lao động.
Quyền lợi:
– Thể hiện mức hưởng và quyền lợi hưởng BHYT của từng đối tượng;
– Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã và chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
Cách 2: Tra cứu bằng tin nhắn điện thoại (1.000 đồng/tin nhắn)
Soạn tin nhắn với cú pháp: BH THE [Mã thẻ BHYT] gửi 8079
Ví dụ: Soạn BH THE HC4010110129425 gửi 8079
Kết quả:
– Mã thẻ BHYT;
– Nơi đăng ký KCB ban đầu;
– Giá trị sử dụng;
– Thời điểm đủ 05 năm liên tục.
Ví dụ: Nội dung tin nhắn nhận được: Mã thẻ: HC40101101129425, Nơi ĐKKCB BĐ: Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, Giá trị sử dụng từ 01/01/2018 đến 31/12/2018, Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ ngày 01/01/2015.
Nói tóm lại, thẻ BHYT hết hạn khi đang nằm viện, người bệnh vẫn được Qũy BHYT chi trả tiếp đến khi ra viện nhưng không quá 15 ngày.
Để lại một phản hồi