Dù không còn chức năng nam giới, nhiều thái giám thời xưa vẫn lấy vợ, thậm chí còn cưới nhiều vợ cùng lúc bởi việc này có thể đem lại cho họ nhiều lợi ích.
Thái giám, hay còn gọi là hoạn quan, công công hoặc nội thị, là một bộ phận đặc biệt trong thời phong kiến cổ đại Trung Quốc. Đây là những người đàn ông bị tịnh thân, trở nên khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục và mất chức năng nam giới, được đưa vào cung để hầu hạ các vị chủ tử với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong các bộ phim cổ trang, có thể thấy rõ hình ảnh một thái giám luôn xuất hiện bên cạnh hoàng đế để phục vụ những việc cẩn mật. Thậm chí, thái giám còn có thể có quyền lực ngầm khiến nhiều người e sợ.
Thái giám vốn chỉ là quan trong nội đình, không có quyền can dự chính sự, nhưng là người hầu cận thường ngày gần nhất của hoàng đế, được hoàng đế tin dùng, nên có khả năng lộng quyền, nắm được đại quyền chính trị, thao túng triều đình, thậm chí có thể phế lập hoàng đế. Các triều đại Đông Hán, Đường, Minh đều từng xảy ra những việc hoạn quan chuyên quyền làm bậy.
Ảnh minh họa
Thái giám lấy vợ là chuyện không hiếm
Có một điều rất đặc biệt ở các thái giám, đó là hầu hết họ đều đã mất chức năng nam giới nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lấy vợ, thậm chí là còn có vợ lớn, vợ bé.
Theo trang Sohu News, ghi chép sớm nhất về việc thái giám kết hôn là vào thời kỳ Đông Hán. Ngay từ thời Hán Thành Đế, việc hoạn quan lấy vợ đã rất phổ biến. Đến thời Hán Hoàn Đế, những hoạn quan như Đan Siêu, Đường Hoành, Từ Hoàng được phong làm Ngũ hầu, họ cũng công khai lấy vợ.
Tới thời nhà Đường, thái giám ngày càng lộng hành. Do hoàng đế bỏ bê triều chính, thái giám đã âm thầm nắm quyền thế, không chỉ sống xa hoa lãng phí mà còn ngang nhiên kết hôn, nâng đỡ nhà vợ, dùng người thân vào việc công để củng cố địa vị. Dưới thời hoàng đế Đường Huyền Tông, hiện tượng này khá rõ ràng. Khi ấy, thái giám Cao Lực Sĩ rất được hoàng đế sủng ái. Ông ta đã kết hôn với con gái của một quan nhỏ, sau đó cất nhắc bố vợ lên chức quan lớn. Khi mẹ vợ của Cao Lực Sĩ qua đời, các quan trong triều ào ào tới chia buồn, cho thấy địa vị của hoạn quan này không hề tầm thường.
Mãi tới thời nhà Tống, hiện tượng thái giám lấy vợ mới ít đi. Đó là do hoàng đế đã rút ra bài học kinh nghiệm từ thời trước, sợ rằng hoạn quan sẽ lũng loạn triều chính, vì vậy đã cấm tiệt chuyện này.
Ở thời nhà Minh, hoàng đế Minh Thái Tổ còn quy định rõ ràng rằng hoạn quan không được lấy vợ, nếu như có người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt lột da. Tuy vậy, tới thời Minh Thành Tổ, bởi vua hết sức sủng ái hoạn quan cho nên những quy định này cũng dần bị coi nhẹ. Khi ấy, hoạn quan không chỉ được kết hôn mà còn có thể được ban hôn với cung nữ, mặc dù cung nữ vốn đều được coi là nữ nhân của vua.
Tới thời nhà Thanh, giai đoạn đầu cũng hiếm thấy trường hợp thái giám lấy vợ, nhưng ở giai đoạn sau thì chuyện này ngày càng phổ biến.
Tại sao thái giám lấy vợ?
Tuy không còn chức năng nam giới và không thể sinh con nhưng nhiều thái giám vẫn muốn lấy vợ. Điều này không chỉ giúp họ giải tỏa nhu cầu sinh lý bình thường của một người đàn ông trong chốn cung cấm cô đơn, mà còn đem lại cho chọ nhiều lợi ích.
Lợi ích đầu tiên chính là uy quyền. Khi hoạn quan đã leo lên một vị trí trong triều, việc lấy vợ là điều tất yếu, bởi đó là một hình thức bề ngoài và là biểu tượng quyền lực của thái giám. Họ cho rằng điều này rất đáng để khoe khoang, nhất là khi được hoàng đế hoặc chủ tử ban hôn. Ngoài ra, vị thế của người vợ cũng có thể củng cố địa vị của thái giám trong triều.
Lý do thứ hai là để thỏa mãn về mặt tâm lý. Nhiều thái giám phải nhập cung từ nhỏ, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình, sống trong cung cấm không người thân, không nơi nương tựa nên vô cùng cô đơn. Họ muốn tìm kiếm người bầu bạn để bớt trống vắng và đó thường là cung nữ. Mối quan hệ này còn được gọi là “đối thực”. Bên cạnh đó, tuy rằng đã bị tịnh thân trước khi vào cung nhưng một số hoạn quan có thể chưa bị thiến hoàn toàn, vì vậy vẫn có ham muốn lấy vợ. Đó là chưa kể một số thái giám sau khi bị thiến, tâm lý trở nên bất ổn và tiêu cực, vì vậy muốn có một người phụ nữ bên cạnh để thỏa mãn tâm lý biến thái của bản thân.
Lý do thứ ba là tìm kiếm người bầu bạn lúc về già. Mỗi người khi kết hôn đều mong muốn khi về già có người bầu bạn, trò chuyện và chăm sóc lẫn nhau, thái giám cũng không ngoại lệ. Sau khi nghỉ hưu, thái giám thường không có con cái để phụng dưỡng, nhưng nếu kết hôn thì họ có thể dựa vào người vợ để những năm tháng tuổi già bớt cô đơn và khó khăn hơn.
Để lại một phản hồi