Vụ tấn công tên lửa bất ngờ của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel có thể nhằm đảo ngược một thỏa thuận ngoại giao đang hình thành, có khả năng tái định hình khu vực.
Hamas đang tập kích cả các mục tiêu dân sự và quân sự của Israel từ Dải Gaza cũng như ngay bên trong lãnh thổ của quốc gia này. Hiện có nhiều báo cáo cho biết nhóm còn bắt giữ một số lượng lớn binh sĩ và công dân Israel làm con tin.
Các thành viên Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh quân sự của Hamas ở Khan Yunis, phía nam Dải Gaza. Ảnh: Press TV
Theo CNN, động thái có thể nhằm trao đổi con tin lấy các tù nhân Hamas đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Trước đây, nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine từng đạt các thỏa thuận trao đổi tương tự với Chính phủ Do Thái.
Chuyên gia phân tích an ninh Mỹ Peter Bergen nhận định, việc Hamas bắt giữ con tin cũng sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ phản ứng quân sự nào của Israel ở Dải Gaza. Động thái thậm chí có thể khiến quân đội Israel e ngại tiến hành không kích vào khu vực vì lo các con tin gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, đằng sau động thái mới của Hamas có thể ẩn giấu một mục đích lớn hơn là nỗ lực chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa Israel và các quốc gia Ảrập, vốn đã bắt đầu một cách nghiêm túc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thông qua Hiệp ước Abraham.
Dưới nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ, do Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cấp cao của ông Trump phụ trách, Hiệp ước Abraham đã dẫn đến việc Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Bahrain lần đầu tiên ký kết các thỏa thuận công nhận nhà nước Israel. Maroc và Sudan cũng bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái.
Các thỏa thuận trên là một bước đột phá đáng chú ý, vì trước đây các quốc gia Ảrập đã viện dẫn cách Israel đối xử với người Palestine để từ chối công nhận nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, người Palestine nhất quyết phản đối các thỏa thuận này.
Giới quan sát thừa nhận, Hiệp ước Abraham không làm được gì nhiều cho người Palestine. Ông Kushner từng bày tỏ ý định giúp tìm kiếm 50 tỷ USD tài trợ cho các dự án của người Palestine, nhưng điều đó đã không xảy ra. Nguyên nhân được giải thích vì người Palestine tẩy chay một hội nghị các nhà tài trợ, do ông Kushner tổ chức ở Bahrain vào năm 2019.
Chính quyền Trump cũng chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Đây là điều các chính quyền Mỹ tiền nhiệm tránh làm vì e ngại khiêu khích người Palestine, những người đã tuyên bố chủ quyền với một phần Đông Jerusalem.
Chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden gần như đã tiếp tục cách tiếp cận của chính quyền Trump. Đại sứ quán Mỹ vẫn ở Jerusalem và Washington đang tìm cách dàn xếp một thỏa thuận giữa Ảrập Xêút – Israel nhằm giúp định hình lại Trung Đông, thậm chí nhiều hơn cả Hiệp ước Abraham đã làm.
Thỏa thuận này dường như đã đạt các bước tiến triển nhỏ nhưng có ý nghĩa. Các máy bay Israel hiện có quyền di chuyển qua Ảrập Xêút. Một bộ trưởng nội các Israel đã đến thăm vương quốc này hồi tháng 9, đánh dấu lần đầu tiên điều đó xảy ra. Một quan chức Israel cũng lần đầu tiên tham gia buổi lễ cầu nguyện của người Do Thái ở Ảrập Xêút vào tuần trước.
Một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel – Ảrập Xêút, những nơi tọa lạc của 2 thánh địa linh thiêng nhất đối với các tín đồ Hồi giáo, sẽ mang tính biểu tượng rất lớn cũng như các lợi ích an ninh thực sự cho Israel.
Gần nửa thế kỷ trước, trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, hai quốc gia Ảrập là Ai Cập và Syria đã tấn công Israel. Ngày nay, Israel và Ảrập Xêút có mối quan tâm chung và đều coi Iran là kẻ thù nguy hiểm nhất của đất nước mình.
Hai bên vẫn đang bàn thảo về các chi tiết thỏa thuận. Song, người Palestine, nhóm đối tượng bị Hiệp ước Abraham bỏ rơi, có lí do để lo ngại rằng các lợi ích của họ sẽ không được xem xét thỏa đáng trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào giữa Tel Aviv – Riyadh.
Chính phủ đương nhiệm của Israel được mô tả là thiên hữu nhất trong lịch sử đất nước, đồng thời ít thiện cảm nhất với các mục tiêu chính trị của người Palestine. Trong khi, Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman (MBS) được đánh giá là ít quan tâm đến các lợi ích của người Palestine hơn, so với cha ông – Vua Salman. Thái tử MBS đang nắm quyền điều hành đất nước thay cho người cha đau ốm của mình.
Xung đột Israel – Hamas hiện có nguy cơ khiến một thỏa thuận giữa Israel – Ảrập Xêút, do Mỹ làm trung gian, bị hủy bỏ trong tương lai gần. Theo các nhà bình luận, diễn biến như vậy sẽ có lợi cho cả Iran, nước từ lâu có mối quan hệ gây tranh cãi với Tel Aviv và Riyadh. Các quan chức hàng đầu ở Tehran gần đây công khai phản đối bất kỳ sự xích lại gần nào với Israel.
Tuần trước, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo: “Các quốc gia thực hiện canh bạc bình thường hóa với Israel sẽ thua”. Hôm 7/10, cố vấn quân sự hàng đầu của ông Khamenei khẳng định, Iran ủng hộ các cuộc tấn công của Hamas vào Israel “cho đến khi giải phóng Palestine và Jerusalem”.
Tất cả đang khiến “lò lửa” Trung Đông tái bùng lên dữ dội, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Để lại một phản hồi