Phi công sống sót nhờ rơi vào một container hàng hóa không bị bắt lửa khi máy bay gặp tai nạn.
Hiện trường vụ rơi máy bay tại Nepal ngày 24-7 – Ảnh: AFP
Phi công trên là người duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Saurya Airlines tại Nepal ngày 24-7 khiến 18 trong 19 người trên chuyến bay thiệt mạng.
Theo giới chức Nepal, phi công này đang hồi phục tại bệnh viện sau khi trải qua tai nạn kinh hoàng.
Vụ việc xảy ra vào ngày 24-7 khi một chiếc máy bay của Hãng hàng không Saurya Airlines bị rơi trong lúc cất cánh tại thủ đô Kathmandu của Nepal, khiến 18 người, bao gồm hành khách và một thành viên phi hành đoàn, thiệt mạng.
Chia sẻ với Hãng tin AFP, ông Gyanendra Bhul, một quan chức thuộc Cục Hàng không dân dụng Nepal, cho hay dù chưa xuất viện nhưng tình trạng của phi công này đã ổn định.
“Phi công có thể sống sót vì vào thời điểm máy bay gặp tai nạn, anh ấy rơi vào một container hàng hóa không bị bắt lửa”, ông Bhul giải thích về lý do phi công này thoát chết.
Sau đó, phi công này được lực lượng cứu hộ giải cứu từ đống đổ nát tại hiện trường trong tình trạng mất máu nhưng may mắn vẫn còn tỉnh táo.
Liên quan vụ rơi máy bay, ông Bhul cho biết chuyến bay đột nhiên chếch sang phải ở độ cao 122m so với mặt đất trước khi rơi xuống gần đường băng.
Sau sự cố thương tâm, Chính phủ Nepal đã chỉ đạo một nhóm điều tra gồm 5 thành viên để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
“Chúng tôi sẽ bàn giao hộp đen và các mảnh vỡ máy bay cho cơ quan điều tra”, ông Bhul nói thêm.
Ông Mukesh Khanal, đại diện Hãng hàng không Saurya Airlines, cho biết các hành khách có mặt trên chuyến bay là một nhóm các kỹ thuật viên đến thành phố Pokhara để đánh giá quá trình bảo dưỡng máy bay tại sân bay khu vực này.
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường – Ảnh: Kathmandupost.com
Vụ tai nạn khiến 18 người chết – Ảnh: Getty
Hiện trường máy bay rơi – Ảnh: Reuters
Nơi có nhiều sân bay khó hạ cánh bậc nhất thế giới
Ngành hàng không ở Nepal đã cải thiện trong những năm gần đây khi nỗ lực nâng cấp để vận chuyển hàng hóa và người đến các khu vực khó tiếp cận như vùng đồi núi hiểm trở.
Tuy nhiên, nước này vẫn gặp thách thức trong các vấn đề an toàn như đào tạo và bảo trì. Điều này càng trở nên khó khăn hơn với đặc điểm địa hình đồi núi cao đặc thù của Nepal.
Nepal sở hữu nhiều sân bay khó hạ cánh bậc nhất thế giới với những dãy núi tuyết bao quanh, khiến những phi công dày dạn kinh nghiệm cũng phải e ngại.
Để lại một phản hồi