Quốc hội quyết định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sáng 27/6.
Điều 9 của Luật nêu các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết cấm tuyệt đối nồng độ cồn không phải nội dung mới, được kế thừa của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ngày 21/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng Phiếu điện tử. Kết quả, 293/388 đại biểu tham gia (75,52%) nhất trí cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. 95 đại biểu (24,48%) đề nghị có mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn và 8 đại biểu có thêm ý kiến khác.
Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Để hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Sau đó sẽ tiến hành tổng kết, đề xuất quy định hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về trường hợp không uống rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn trong máu, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung dự thảo điều khoản giao Bộ Y tế quy định về cách xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.
Sử dụng một phần tiền xử phạt để đảm bảo an toàn giao thông
Tại Điều 4 của dự thảo, Nhà nước bố trí tương ứng từ khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.
Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm, tuy nhiên quá trình thực hiện có khó khăn do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Trừ điểm giấy phép của lái xe vi phạm
Tại Điều 58, Luật quy định điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Ông Lê Tấn Tới cho biết quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm.
Thường vụ Quốc hội cho rằng việc trừ điểm không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về an toàn giao thông thì giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông là phù hợp, vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Luật này hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Để lại một phản hồi