Trong quá trình làm việc, nữ công nhân đã bị máy cuốn sợi quấn vào tóc kéo tróc toàn bộ da đầu, gây ra vết thương khủng khiếp…
Nữ công nhân P.T.K.O (SN 1996, quê Tây Ninh) gặp nạn khi đang làm việc với máy kéo sợi trong nhà máy tại Tây Ninh vào sáng 18/1. Khi chị O. cúi người về phía trước để làm việc thì bị lực hút của máy kéo sợi hút tóc, do không đội mũ bảo hộ, chị đã bị lóc toàn bộ da đầu, đứt một phần vành tai bên trái.
Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Gò Dầu (Tây Ninh) sơ cứu, tiếp đó chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 10h. Trong lúc nữ công nhân được đưa đi cấp cứu thì các đồng nghiệp tại công ty đã tìm thấy mảng da đầu bị lóc cho vào túi nilon chứa trong thùng đá và chuyển đến bệnh viện sau đó.
Mảnh da đầu khi mới vừa được vi phẫu ghép lại.
Mảng da đầu đã tiến triển tốt, tóc mọc lại toàn bộ…
Ngày 20/2, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng – Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân cần ghép da trong thời gian vàng dưới 6 giờ đầu sau tai nạn. Vừa nhập viện, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, để chuẩn bị cho quá trình vi phẫu cấp cứu ghép nối lại mảnh da đầu đứt rời.
‘Toàn bộ mảng da đầu bệnh nhân bị máy quấn xé, mạch máu dập nát gần hết khiến quá trình bảo tồn và ghép nối gặp nhiều khó khăn… Trước khi thực hiện vi phẫu, các bác sĩ đã mất nhiều thời gian để xử trí mảng da đầu rời, rửa sạch, làm sạch tóc’, TS.BS Ngô Đức Hiệp cho biết.
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, hai ê kíp phối hợp phẫu thuật đã thực hiện vi phẫu trong 4 tiếng rưỡi đồng hồ, ghép thành công các mạch máu nuôi sống da đầu, đồng thời nối vành tai lại cho bệnh nhân dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi.
TS.BS Ngô Đức Hiệp nói về ca bệnh.
Sau mổ, các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp chăm sóc, giúp vạt da tưới máu tốt, vành tai lành thương gần như toàn bộ. Bệnh nhân tái khám sau một tháng, ghi nhận vết thương lành, tóc mọc lại kín da đầu.
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, ca này phẫu thuật thành công nhờ mảng da được sơ cứu, bảo quản ban đầu đúng cách. Nếu để qua 6 giờ đầu, cơ hội sống của mảng da sau ghép không còn nhiều. Từ 6 giờ trở đi, tỷ lệ hoại tử tăng dần, bởi bộ phận rời khỏi cơ thể càng lâu thì bị mất máu nuôi càng nhiều.
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 8-10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động (trong đó cũng có nhiều ca bị lóc da đầu do té ghe thuyền, bị chân vịt hoặc cánh quạt dưới nước cuốn vào tóc, da đầu). Đa số bệnh nhân từ các tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đến viện trễ, không phẫu thuật nối được.
BS.CK2 Phạm Thanh Việt khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn lao động.
BS.CK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo các doanh nghiệp, công nhân cần đảm bảo các quy định và phương tiện an toàn lao động. Khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Da đầu, chi thể bị tổn thương cần được sơ cứu đúng cách, bằng cách bỏ chúng vào túi nylon sạch, cột lại rồi bỏ vào thùng nước đá. Không bỏ trực tiếp da đầu, chi thể vào nước đá, dễ gây hỏng các bộ phận này.
Trường hợp này, nếu đồng nghiệp nữ bệnh nhân không giữ được mảnh da đầu và sơ cứu đúng cách như đã làm thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, bệnh nhân sẽ thêm đau đớn, nguy cơ vĩnh viễn không mọc tóc.
Có những bệnh nhân, bị lóc một phần da đầu, bác sĩ áp dụng phương pháp lấy da mỏng từ da đầu bị bong lóc, hoặc lấy da mỏng chỗ khác trên cơ thể ghép vào để da đầu được che phủ, nhưng không thể mọc tóc trở lại.
Một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật đặt túi nước để nhằm kéo giãn da vùng đầu bệnh nhân để lấy ghép vào vùng tổn thương, giúp bệnh nhân có tóc, song cách điều trị này khá tốn kém, mất thời gian.
Để lại một phản hồi