Khi thang máy dừng ở tầng 5 và chưa mở hết cửa, bé trai đứng sát, bám tay vào mép cửa cabin đã bị cuốn theo, kẹp tay vào khe cửa.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cư dân sống tại chung cư ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết một trẻ nhỏ bị kẹp tay trong khe hở thang máy vào tối 31/7.
Theo đó, hơn 21h cùng ngày, thang máy dừng ở tầng 5 và chưa mở hết cửa. Một bé trai đứng sát, bám tay vào mép cửa cabin đã bị cuốn theo, kẹp tay vào khe cửa.
“May mắn thời điểm đó có nhiều người lớn trong thang máy. Họ đã tìm cách hỗ trợ, gọi cứu hộ rút tay bé trai khỏi khe cửa”, cư dân cho hay.
Hồi tháng 5, một sự việc tương tự đã xảy ra tại một chung cư khác trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, một bé gái đứng sát cửa thang, liên tục đặt tay lên cánh cửa trong quá trình thang máy di chuyển. Người đàn ông đi cùng nhiều lần nhắc nhở, kéo tay cháu bé.
Một phút sau, khi cửa thang máy mở ra, tay của bé gái bị trượt theo và mắc kẹt vào khe cửa. Chứng kiến sự việc, những người bên trong thang đã vô cùng hốt hoảng, tìm cách dừng thang, ấn nút khẩn cấp và gọi điện cho lực lượng cứu hộ.
Các cư dân khác trong chung cư sau đó đã chạy đến hỗ trợ, dùng dao để bẩy cánh cửa, kéo tay cháu bé ra ngoài. Sau khoảng 5 phút xử lý, cháu bé được giải cứu và đưa tới bệnh viện kiểm tra.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam, nhận định đây là tình huống nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro nếu người sử dụng thang máy không đúng cách.
Trong tình huống này, khi thang máy mở ra, em bé đặt tay lên cửa và bị kéo kẹp vào khe hở giữa cửa và khung bao cabin, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng .
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), khoảng cách khe hở giữa cánh cửa và khung cửa phải nhỏ hơn 6mm để ngăn ngừa tai nạn kẹp tay.
Tuy nhiên, nếu thang máy không được bảo trì đúng cách, sau một thời gian sử dụng, cửa thang máy bị dơ, khiến cho khe hở này có thể lớn hơn, tạo điều kiện cho tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, nếu cảm biến phát hiện chướng ngại vật hoặc hệ thống an toàn của thang máy không hoạt động hiệu quả, nguy cơ tai nạn sẽ tăng cao.
“Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến sự cố là trẻ em không được hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng thang máy an toàn. Người lớn không giám sát trẻ nhỏ dẫn đến các tình huống nguy hiểm”, ông Đức nói.
Trẻ em dễ bị kẹp tay vào khe hở giữa cửa và khung bao cabin khi thang máy mở cửa (Ảnh: Minh Nhân).
Chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người già, người khuyết tật khi sử dụng thang máy phải có người thân đi cùng, luôn giữ trẻ em dưới sự giám sát khi sử dụng thang máy, tránh để trẻ chơi đùa, nhảy nhót, xô xát trong cabin hoặc gần cửa thang.
Nếu không may trẻ bị kẹp tay trong khe cửa hoặc các sự cố khác, người đi cùng cần ấn nút mở cửa thang khẩn cấp.
Khi đó, thang sẽ dừng lại – đây là “thời gian vàng” để người lớn bình tĩnh gọi bảo vệ, Ban quản lý tòa nhà hoặc đội cứu hộ theo nút gọi khẩn cấp. Các cư dân có thể trợ giúp, cậy hoặc ép cửa để kéo tay trẻ ra ngoài.
“Người lớn cần chỉ cho trẻ biết tất cả nút trên bảng điều khiển và chức năng để trẻ biết tự bảo vệ mình khi cần, hướng dẫn trẻ không được chạm vào cửa thang máy vì có thể bị cuốn tay khi cửa mở sang hai bên”, chuyên gia nhấn mạnh.
Người lớn cần dạy trẻ hướng dẫn sử dụng thang máy an toàn (Ảnh: Minh Nhân).
Sau sự cố, Ban quản lý tòa nhà ở quận Bắc Từ Liêm đã khuyến cáo cư dân không để trẻ em dưới 10 tuổi sử dụng thang máy một mình, luôn có người lớn đi cùng khi sử dụng thang máy.
Cư dân tuyệt đối không sờ, bám tay vào mép cửa thang, đặc biệt khi cửa thang đang đóng/mở; đảm bảo cửa thang máy mở hoàn toàn trước khi bước vào hoặc ra.
Khi thang máy gặp sự cố, cư dân sử dụng nút khẩn cấp để liên hệ với bộ phận hỗ trợ, tuyệt đối không chèn, chặn cửa thang dưới bất kỳ hình thức nào.
Để lại một phản hồi