Luật Đường bộ hạn chế loại hình xe ghép, xe tiện chuyến?

Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo Luật Đường bộ sẽ dẫn đến chấm dứt mô hình xe ghép, xe tiện chuyến – một dịch vụ đang đem lại tiện dụng và lợi ích cho người dân

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 21-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) băn khoăn quy định tại khoản 10 Điều 56, đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Theo bà Yên, ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. ‘Tuy nhiên, việc này vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến’- đại biểu Tạ Thị Yên băn khoăn.

Đại biểu cho rằng về cơ bản, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. Đồng thời, mô hình này cũng mang nhiều lợi ích cho xã hội, giảm tắc nghẽn, ô nhiễm.

Do đó, đại biểu Yên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng ‘xe dù, bến cóc’, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu – Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng lo ngại, quy định hiện như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ xe bằng ôtô con dưới 10 chỗ, bao gồm cả hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử qua nền tảng gọi xe trực tuyến.

Theo ông, việc chia sẻ xe cho phép một chuyến xe hợp đồng được chở khách độc lập miễn là có cùng cung đường di chuyển, các hành khách đồng ý ghép để tối ưu hóa quãng đường, chi phí. Dịch vụ chia sẻ hiện đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

‘Trong nước, dịch vụ này đang được các đơn vị vận tải thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận’ – đại biểu Trí nói và cho rằng cách thức này giúp giảm bớt áp lực cho giao thông, ô nhiễm môi trường là điển hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Do đó đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị chỉnh lý điểm này theo hướng quy định chỉ có ôtô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm người lái. Còn loại xe chở người không phải ôtô khách thì chỉ cần hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử mà không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo điều kiện triển khai luật trên thực tế.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*