Số tiền Hằng và Sơn đưa cho Hoàng Văn Hưng với mục đích hối lộ, bị tòa nhận định là thực hiện giao dịch trái pháp luật. Do đó, HĐXX yêu cầu phải truy thu hơn 18 tỷ đồng mà Hưng chiếm đoạt.
25 cá nhân nhận hối lộ 165 tỷ đồng
Chiều 28/7, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Trong đó, 4 bị cáo bị tuyên mức án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nhận hối lộ là Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế); Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an), Vũ Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, phức tạp Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng được dẫn giải khỏi phiên tòa chiều 28/7 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này trong giai đoạn cấp phép chuyến bay, phê duyệt cách ly y tế tại địa phương từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận hối lộ số gần 165 tỷ đồng, và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỷ đồng.
23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74 tỷ đồng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) được dẫn giải khỏi Tòa án nhân dân TP Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Anh Tuấn từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022 nhận hối lộ 32 lần, tổng số tiền 25 tỷ đồng.
Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 37 lần, số tiền 21 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021 đã nhận hối lộ 38 lần, tổng số tiền 18 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 nhận hối lộ 7 lần, tổng số tiền 9 tỷ đồng.
Bị Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận hối lộ 7 tỷ đồng…
Bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an (Ảnh: Nguyễn Hải).
Truy thu 18 tỷ đồng Hoàng Văn Hưng chiếm đoạt
Theo HĐXX, tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, không có ý kiến tranh luận về tội danh, chỉ đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh về nguyên nhân phạm tội, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Đối với số tiền bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Phó Tổng giám đốc và Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đưa cho Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) với mục đích hối lộ, bị tòa cáo buộc là thực hiện giao dịch trái pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (Ảnh: Nguyễn Hải).
Do đó, HĐXX yêu cầu phải truy thu số tiền hơn 18 tỷ đồng mà Hoàng Văn Hưng chiếm đoạt để sung công quỹ Nhà nước.
Toàn bộ số tiền 1,85 triệu USD cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nộp lại cũng sung công quỹ nhà nước.
HĐXX đề nghị tiếp tục duy trì các lệnh kê biên, phong tỏa, yêu cầu ngăn chặn giao dịch liên quan đến các bị cáo để đảm bảo thi hành án về phần truy nộp và các nghĩa vụ khác về án phí.
Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu, theo bản án hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé và doanh nghiệp cũng không có tài liệu về chi phí của khách hàng đã mua vé.
Trong đó, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác. Vì vậy HĐXX không có cơ sở xem xét giải quyết nội dung này.
Hội đồng xét xử dành cho các công dân đã mua vé yêu cầu các doanh nghiệp bán vé, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết luận điều tra, cáo trạng đã nêu ở giai đoạn 2 của vụ án, nếu có vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.
Để lại một phản hồi