KHẨN: Từ đêm nay 6/9, siêu bão số 3 hoành hành vịnh Bắc Bộ, người dân cần chuẩn bị gì lúc này?

Theo bản tin mới nhất về siêu bão số 3, hồi 07 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão số 3 chỉ còn cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Vậy, người dân cần chuẩn bị gì lúc này để ứng phó với siêu bão số 3?.
Cập nhật tin bão siêu bão số 3
Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, hồi 07 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Do tác động của siêu bão số 3, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Từ khoảng trưa ngày 06/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Từ đêm 06/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 07/9).


Hướng di chuyển của bão số 3. Ảnh: NCHMF

Người dân cần làm gì để ứng phó với siêu bão số 3?
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã…

Các chuyên gia khí tượng cũng cảnh báo người dân cần gấp rút triển khai những việc sau:

Chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, kê cao đồ đạc nếu ở vùng thấp trũng.

Hạ biển quảng cáo ngoài trời.

Đóng kín cửa sổ, cửa chính.

Hạ thấp giàn cây cảnh trên cao.

Neo đậu tàu thuyền vào nơi khuất gió. Neo các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

Với người dân, đặc biệt ở các đô thị, mang xe ô tô đi gửi chỗ cao nếu nhà mình ở chỗ thấp. Mang xe máy lên chỗ cao nếu nhà mình đang ở vùng nguy cơ ngập lụt.

Chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2 ngày. Bão vào có thể gây mất điện.

Sạc đầy điện thoại, đầy thiết bị tích điện.

Cần có cái đèn pin tích điện để dùng đề phòng mất điện hoặc phải sơ tán trong đêm

Nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.

Cơ quan phòng, chống thiên tai cho biết, người dân cần tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết ngay cả khi bão đã đổ bộ vào đất liền; chỉ được phép về nhà từ nơi sơ tán khi có sự cho phép của chính quyền địa phương.

Đồng thời, chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như: Đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.

Tuyệt đối không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước; tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn) vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*