Hàng loạt ô tô bị cây đè bẹp, chủ xe có được bồi thường?

Chiếc xe hiệu Mazda hư hỏng nặng ở góc phố Nam Sơn (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), nhiều cây trên đường phố Hà Nội bị bật gốc, gãy đổ, đè hư hỏng hàng loạt xe ô tô. Các xe ô tô này có được bồi thường và bồi thường như thế nào?
Bồi thường bằng số tiền chi sửa chữa nếu có bảo hiểm
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 3, xe ô tô bị cây đổ đè trúng, hư hỏng là trường hợp bị thiệt hại do rủi ro ngẫu nhiên, bất ngờ, không lường trước được, đương nhiên sẽ được chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu có hợp đồng bảo hiểm.

Cây đổ đè trúng 5 chiếc xe ô tô đậu dưới sân chung cư trên phố Đạm Phương (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Nội dung cụ thể sẽ bám theo hợp đồng mà người mua tham gia với doanh nghiệp bảo hiểm. Chủ xe ngay sau khi ghi nhận thiệt hại về tài sản phải liên hệ ngay với phía công ty bảo hiểm để được hướng dẫn thủ tục cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi.

Ông Trần Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life, cho biết xe hư hỏng do mưa bão, ngập lụt không phải lỗi của con người nên không thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân cụ thể nào trong trường hợp này.

Việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm ô tô bị thiệt hại vật chất do thiên tai cần kiểm tra trường hợp này thuộc phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng đã ký kết với công ty cung cấp bảo hiểm hay không.

Trong hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa 2 bên có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở được bồi thường và không thuộc các trường hợp loại trừ thì khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra.

“Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với khách hàng và các bên có liên quan thu thập một bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đó”, ông Việt nói.

Theo chuyên viên chăm sóc khách hàng của một đơn vị bảo hiểm ô tô, nếu xe bị hư hỏng do cây đè, cột điện đổ vào, mưa ngập, công ty bảo hiểm ô tô sẽ có trách nhiệm bồi thường khi khách hàng đã mua bảo hiểm vật chất xe. Đây là một loại hình bảo hiểm ô tô tự nguyện, hay còn gọi là bảo hiểm thân vỏ xe ô tô.

Trường hợp cây đổ đè ô tô là những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên nên nếu mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, chủ xe sẽ được bảo hiểm bồi thường đúng với số tiền mà chủ xe đã chi trả để sửa chữa.

Ông Việt nêu rõ, thông thường, loại hình bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cắp toàn bộ xe…

“Tuy nhiên, chủ xe cũng cần lưu ý trong trường hợp ô tô bị cây đè khi đỗ trên đoạn đường cấm, dù đã mua bảo hiểm vật chất, chủ xe cũng sẽ bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường”, Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life nhấn mạnh.

Xe không mua bảo hiểm thì sao?
Với trường hợp xe ô tô không mua bảo hiểm vật chất, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, về mặt nguyên tắc, bên nào có lỗi gây ra thiệt hại thì bên đó phải có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Chiếc xe hiệu Mazda hư hỏng nặng ở góc phố Nam Sơn (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Đối chiếu với sự việc cây đè ô tô, nếu đỗ xe sai quy định (lỗi hoàn toàn thuộc về chủ xe), chủ xe sẽ không được bồi thường. Ngược lại, nếu chủ xe đã đỗ xe đúng quy định, có thể xem xét trách nhiệm bồi thường đối với đơn vị quản lý cây xanh.

Điều 604 bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Như vậy, cần xem xét đơn vị quản lý có lỗi trong việc cây đè vào ô tô hay không? Ví dụ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chăm sóc, đảm bảo an toàn cho cây (cắt tỉa, phát hiện sâu mục, cành hỏng…) hay chưa? Nếu chưa và là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại, đơn vị quản lý cây xanh phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe.

Một yếu tố nữa cũng cần phân tích, đó là việc cây đè ô tô có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không?

Theo quy định tại bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, cần xác định đơn vị quản lý cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng để khắc phục hay chưa. Nếu đã áp dụng nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, có thể xem đây là trường hợp bất khả kháng, đồng nghĩa đơn vị quản lý cây xanh không phải bồi thường.

Với những căn cứ đã nêu, để có thể yêu cầu bồi thường từ phía đơn vị quản lý cây xanh, chủ xe cần chứng minh đồng thời 2 yếu tố: một là lỗi không hoàn toàn thuộc về mình, hai là không phải trường hợp bất khả kháng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*