5 nguyên tắc này để tránh bị lừa đảo và mất tiền oan uổng, ai cũng nên biết để bảo vệ quyền lợi của mình.
Gửi tiết kiệm 27 tỷ đồng sau 2 năm còn 43 nghìn đồng
Ngày 30.3.2021, chị Hoàng Thị Oanh đã chuyển tiền lần đầu tiên, thấy tài khoản được mở đúng tên mình tại Hội sở chính của ngân hàng này nên đã không nghi ngờ gì, sau đó vì rất tin tưởng nên chị Oanh đã tiếp tục chuyển tiền. Mỗi lần chuyển tiền chị Oanh đều nhận được Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản hoặc qua email do chính ngân hàng này xác nhận và gửi đến, trên Giấy xác nhận đều có chữ ký của người có thẩm quyền là Giám đốc TTKHCN hoặc Giám đốc chi nhánh ký và đóng dấu đỏ của ngân hàng nên chị Oanh rất yên tâm và tiếp tục chuyển tiền.
Số dư tiền của chị Oanh theo xác nhận của ngân hàng này đến ngày 16.9.2023 là 31.700.000.000 đồng, từ ngày 27.9.2023 đến ngày 5.10.2023 chị Oanh có gửi thêm vào tài khoản 500.000.000 đồng và rút gốc 4,5 tỷ đồng, số dư còn lại đến ngày 5.10.2023 là 27,7 tỷ đồng.
Đến ngày 5.10.2023, chị Oanh rút tiền không rút được và đến ngày 12.10.2023, chị Oanh đến ngân hàng này yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay thì phát hiện ra trên tài khoản của chị Oanh chỉ còn 46.328 đồng, trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do chị Oanh yêu cầu/thực hiện; ngoài ra số dư trên sao kê không đúng với số dư bên ngân hàng này thông báo trên các Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/ Số dư tài khoản hoặc email do ngân hàng này cung cấp/ gửi cho chị Oanh tại thời điểm tương ứng. Chị Oanh vô cùng hoang mang khi số tiền tích cóp cả đời bỗng dưng không cánh mà bay.
* Tên nạn nhân dã được thay đổi
5 nguyên tắc khi gửi tiết kiệm để không mất tiền oan
Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy
Một trong những nguyên tắc khi gửi tiết kiệm là phải giao dịch tại quầy có camera ghi hình và đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Nhưng trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.
Cụ thể, như chị Oanh ở trên gửi số tiền lớn nên được coi là khách hàng VIP được vào phòng VIP hoặc phòng Giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ. Và khi có sự việc xảy ra sẽ vô cùng khó đối chứng người thiệt thòi vẫn luôn là khách hàng.
Tuyệt đối không nên ký sẵn chứng từ trống
Ông bà ta thường nói bút sa gà chết nên khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng.
Nguyên nhân, tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.
Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.
Cần hiểu rõ giữa đầu tư và gửi tiết kiệm truyền thống
Ngày này khi bạn đi gửi tiết kiệm thường được nhân viên ngân hàng tư vấn về cách gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm bình thường. Nếu như lãi suất ngân hàng binh thường giờ chỉ 5% thì gửi tiết kiệm theo cách nhân viên tư vấn sẽ có mức lãi suất tới 20-30%/năm. Khách hàng cần phải tính táo thực chất nhân viên ngân hàng đang đánh tráo khái niệm đây không phải là gửi tiết kiệm mà là hình thức đầu tư. Họ huy động vốn của bạn vào đầu tư và nên nhớ rằng trong đầu tư có rủi ro. Nếu như đầu tư thua lỗ thì số tiền bạn bỏ vào đó sẽ không còn gì cả. Chính vì vậy, cần hiểu rõ bản chất của vấn đề để không rơi vào tình trạng mất tiền oan.
Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi
Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.
Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của Trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…
Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến
Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến…
Để lại một phản hồi