Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2023-2025, cả nước dự kiến sẽ sắp xếp 49 huyện và 1.247 xã, sau sắp xếp sẽ giảm 13 huyện và 624 xã.
Bộ Nội vụ vừa có báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã.
58 cán bộ dôi dư chưa được giải quyết ở TP Thủ Đức
Theo báo cáo, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sáp nhập 21 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh, TP (giảm 8 đơn vị cấp huyện) và sáp nhập 1.056 đơn vị cấp xã thuộc 45 tỉnh, TP (giảm 561 đơn vị cấp xã). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 35/45 tỉnh, TP chưa hoàn thành việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp của địa phương.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Từ tháng 1-2022 đến thời điểm 1-4-2024, các địa phương đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, bố trí nguồn lực để thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư còn tồn tại đến thời điểm cuối năm 2021.
Cụ thể, đã tiếp tục giải quyết được 366/424 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư. Theo đó, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư đã được giải quyết tính từ thời điểm thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện đến ngày 1-4-2024 là 648/706 người. Số dôi dư còn lại phải tiếp tục giải quyết là 58 người và đều thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM.
Các địa phương cũng tiếp tục giải quyết được 2.008/3.413 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Theo đó, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đã được giải quyết tính từ thời điểm thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã đến ngày 1-4-2024 là 8.289/9.694 người.
Số dôi dư còn lại phải tiếp tục giải quyết là 1.405 người. Số cán bộ, công chức này thuộc 18 tỉnh, TP gồm Thanh Hóa, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên.
Từ tháng 1-2022 đến nay đã giải quyết xong chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC là 492 người.
Báo cáo nêu rõ việc chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức huyện, xã dôi dư là chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Nguyên nhân của việc này là do công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 diễn ra cùng thời điểm với việc thực hiện nhiều chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.
Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc chưa thực sự ưu đãi, vượt trội. Mức hỗ trợ chưa thỏa đáng để ổn định đời sống, tạo việc làm mới…
Báo cáo cũng chỉ rõ hiện còn khá nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn ĐVHC cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Hiện vẫn còn 52/109 trụ sở cấp huyện dôi dư và 297/755 trụ sở cấp xã dôi dư chưa được xử lý.
Cạnh đó, công tác định giá tài sản gặp nhiều khó khăn do giá trị tài sản bị giảm sút; trình tự, thủ tục bán đấu giá gồm nhiều bước dẫn đến thời gian kéo dài, làm phát sinh chi phí bảo quản; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện đưa ra đấu giá cũng còn khó khăn…
Mặt khác, báo cáo cũng nêu rõ việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân, chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa trụ sở cao…
Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025, cả nước sẽ giảm 13 huyện, 624 xã sau sắp xếp ĐVHC. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Giai đoạn 2023-2025, giảm 13 huyện, 624 xã sau sắp xếp
Về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo, cả nước có 10 tỉnh không thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã. Trong đó, bảy tỉnh không có ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp nên không xây dựng phương án tổng thể; ba tỉnh có ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng đề nghị không xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 do có yếu tố đặc thù.
Tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 địa phương, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị, gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị.
Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 21 đơn vị. Trong đó, thực hiện sắp xếp 40 đơn vị cấp huyện (12 TP, 3 quận, 4 thị xã, 21 huyện) để hình thành 19 ĐVHC đô thị cấp huyện (12 TP, 3 quận, 4 thị xã).
Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị, gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.
Số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 508 đơn vị. Trong đó thực hiện sắp xếp 297 phường và 67 thị trấn để hình thành 261 ĐVHC đô thị cấp xã (198 phường và 63 thị trấn).
Tính đến ngày 25-4-2024, có bốn địa phương là Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành Trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ Đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của việc sắp xếp trong giai đoạn này. Trong đó có việc số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (21/30 cấp huyện và 508/1.253 cấp xã.
Ngoài ra, việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng… cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Để lại một phản hồi