Đấu giá hơn 2.100 xe máy vi phạm, giá từ 600.000 đồng/chiếc

Lô tài sản gồm hơn 2.100 mô tô hai bánh là phương tiện vi phạm hành chính đã xác lập quyền sở hữu toàn dân được đấu giá khởi điểm hơn 1,48 tỷ đồng.
Một công ty đấu giá đang thông báo bán đấu giá lô tài sản là hơn 2.100 chiếc mô tô, xe gắn máy 2 bánh (bán phế liệu không được đăng ký lưu hành). Số xe này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tịch thu.

Giá khởi điểm của lô tài sản này là hơn 1,48 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế, phí khác (nếu có), trung bình gần 700.000 đồng/xe. Số tiền đặt trước 290 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào chiều ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến với phương thức trả giá lên, bước giá 5 triệu đồng.

Theo danh sách hơn 2.100 xe đấu giá, đa số vẫn còn biển số, là các loại xe thương hiệu Honda, Yamaha với những dòng như Dream, Sirius, Wave… Nhiều xe không còn xác định được số khung, số máy vì bị oxy hóa, chất lượng còn sử dụng được khoảng 15-25%. Giá trị xe được cơ quan chức năng xác định khoảng 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Công ty đấu giá xe máy cũng lưu ý khách hàng không đi xem tài sản thì được coi là đã chấp nhận chất lượng và số lượng của tài sản đấu giá và không có quyền khiếu kiện, khiếu nại sau khi nộp hồ sơ tham gia. Cơ quan công an sẽ thuê đơn vị độc lập để tiến hành mài số, cắt đôi khung, sườn đục số máy, đục thủng lốc máy… trước khi nhận bàn giao tài sản.


Trong danh sách hơn 2.100 xe đấu giá, đa số vẫn còn biển số nhưng số khung, số máy đã bị oxy hóa (Ảnh: Công ty đấu giá).

Theo quy định của pháp luật, tang vật vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ mà không xác định được chủ sở hữu, công an phải 2 lần thông báo công khai.

Sau một năm kể từ thông báo thứ 2 (niêm yết công khai) trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau 5 ngày không ai đến nhận thì cơ quan có thẩm quyền mới tịch thu sau đó mới lập phương án xử lý để đấu giá tài sản.

Do thủ tục tịch thu, tiêu hủy, bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính mất nhiều thời gian khiến đa số xe bị tạm giữ quá lâu xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Hiện nay, có nhiều cách để giảm số lượng phương tiện giao thông bị tạm giữ như cho đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện; tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện; tăng cường xử lý tang vật, phương tiện (bằng hình thức tịch thu bán đấu giá)…

Tuy nhiên phương án đặt tiền để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện ít được cá nhân, doanh nghiệp áp dụng, mà chủ yếu lựa chọn biện pháp tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe…) để đảm bảo thay cho việc tạm giữ phương tiện.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*