Ông Võ Tấn Hoàng Văn không bị xử lý về 4 lần làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn, song tòa cho biết sẽ xem lại hành vi này.
Trong phần thẩm vấn sáng 7/3, ngoài việc làm rõ Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, cựu tổng giám đốc SCB) giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, TAND TP HCM cũng xét hỏi về hành vi giúp Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đưa hối lộ.
Võ Tấn Hoàng Văn bị cáo buộc khi là CEO SCB đã tìm cách tiếp cận Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II – Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước – Trưởng đoàn thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước), để bà Trương Mỹ Lan hối lộ 5,2 triệu USD, giúp “bịt sai phạm”. Tuy nhiên, ông Văn đã tố giác hành vi này trước khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Ảnh: Quỳnh Trần
Trả lời HĐXX về việc cùng bà Lan tác động đoàn thanh tra không đưa SCB vào giám sát đặc biệt, Văn khai, khi biết sắp có đoàn thanh tra, bị cáo có dò hỏi nhiều người trong giới ngân hàng thì được biết Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành vì muốn hỗ trợ SCB tái cơ cấu thành công. “Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra liên ngành vào, nhiều người dân bắt đầu đi rút tiền, kéo theo nhiều khó khăn khác khiến bị cáo bị cuốn theo, tìm cách che đậy sai phạm”, bị cáo nói.
Văn thừa nhận hành vi của mình nêu trong cáo trạng là đúng và đồng ý về số tiền, quà đã đưa cho đoàn thanh tra “nên chủ tọa không cần phải công bố lại”.
Cựu CEO SCB cho biết, trong buổi gặp đầu tiên giữa bà Lan với bà Nhàn, bị cáo không biết hai người nói gì. Nhưng sau đó, trong lần đi công tác Hà Nội, Văn được Nguyễn Phương Hồng (trợ lý của bà Lan, hiện đã chết) gọi điện nói “có thùng trái cây, anh mang qua cho chị Nhàn”.
“Bị cáo đã 3 lần mang thùng trái cây đưa cho bà Nhàn. Bị cáo biết bên trong là tiền nhưng vì thùng xốp đóng gói rất kỹ nên không biết bao nhiêu. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết là 5 triệu USD”, Văn khai. Trong lần đầu đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn, bị cáo đi cùng Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và đưa 200.000 USD, những lần sau đi cùng lái xe của mình.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo suy nghĩ như thế nào về tất cả những việc này?”. Văn cho biết đưa tiền cho bà Nhàn theo chỉ đạo của bà Lan. Bị cáo tin tưởng vào mối quan hệ giữa hai người này nhưng bản thân nghĩ “không thay đổi được tình hình, bởi trên bà Nhàn còn nhiều lãnh đạo”.
“Rõ ràng bị cáo không chỉ một lần mà 4 lần đưa hối lộ thay cho bà Lan, bưng bít những cái xấu nhất của SCB. Hành vi của bị cáo không bị truy tố nhưng tòa sẽ xem xét có hay không cần thiết xử lý bị cáo. “, chủ tọa lưu ý.
Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Thanh Tùng
Đối với bà Nhàn, cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận 5,2 triệu USD để “bao che, bưng bít sai phạm” của SCB, bà này đã gửi các báo cáo với nội dung “không trung thực, sai lệch kết quả thanh tra” theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho SCB tiếp tục được tái cơ cấu. Việc làm của bà Nhàn bị cho là khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm.
Quá trình điều tra, bà Nhàn được ghi nhận thành khẩn khai báo, đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ và phối hợp cùng cảnh sát làm rõ vụ án.
Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thừa nhận hành vi giúp bà Lan chiếm đoạt 1.100 tỷ đồng, vì được coi như con ruột, cho ăn học, làm việc. 18
Sau giờ giải lao sáng này, luật sư của bà Lan có đơn trình nguyện vọng, hiện một số cá nhân đang thiếu tiền của bà, đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép con và cháu của bị cáo được gặp những người này thu hồi tài sản.
HĐXX cho biết không có bất kỳ quyết định cấm người nhà của các bị cáo thu hồi tài sản để nộp lại. Tòa sẽ tạo điều kiện cho bà Lan và các bị cáo thu hồi tài sản khắc phục thiệt hại trong vụ án. Các luật sư và bị cáo thực hiện việc này, nếu có thì báo lại HĐXX. Bị cáo Lan nên đưa danh sách cũ thể những ai thiếu nợ, bao nhiêu, ở đâu chứ đang ghi chung chung.
Chủ tọa Phạm Lương Toản – Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM, xét hỏi các bị cáo. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM
Là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bà Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng – chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Để lại một phản hồi