Con chưa ch/ế*t mẹ đã làm đám tang, công an mở nắp quan tài vạch trần tội ác

Người mẹ đáng thương hơn đáng giận khi bất chấp tất cả, tổ chức đám tang giả để quyết tâm giành giật lại đứa con trai khỏi những kẻ xấu. Hành động hi hữu đó là của bà Phạm Thị Bái (SN 1944, ngụ xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Chạy trốn “giang hồ”

Vợ chồng bà Bái sinh được 6 người con, anh Đặng Văn Quý (SN 1989) là con trai út. Năm 2005, anh Quý có hành vi xâm hại một cô bé gần nhà. Sự việc bị bại lộ, phải đi cải tạo mất 4 năm. Năm 2009, Quý mãn hạn tù, trở về địa phương.
Tuy nhiên, từ ngày Quý về, liên tục có những người lạ tới nhà làm phiền, bắt làm những việc theo yêu cầu của họ. Nguyên do dẫn tới sự việc này, thời gian trong trại cải tạo, Quý đã được một “đại bàng” giúp đỡ. Thời gian thụ án ngắn hơn, Quý ra trại trước. “Đàn em” của đối tượng kia vin vào cớ đó tới ép “trả ơn”, bắt anh phải làm những việc làm sai trái.
Chàng trai sau thời gian thi hành án tù đã thức tỉnh, luôn khao khát làm lại cuộc đời, không muốn dính vào lầm lỗi nữa. Anh thẳng thừng khước từ, bị nhóm người kia đe dọa.
“Những ngày đó, Quý và gia đình luôn sống trong lo âu sợ hãi vì bị nhóm côn đồ đeo bám, dọa dẫm. Hiếm khi người làng trông thấy Quý bởi nó cứ phải trốn lui trốn lủi đám người xấu đó”, một hàng xóm nhớ lại.

Người mẹ từng làm đám tang giả để… cứu con.
Vì bị côn đồ truy đuổi ráo riết, từng có lần Quý tìm đến cái chết nhưng bất thành. Thấy con sống khổ sở, bà Bái và gia đình tìm mọi cách khuyên ngăn, hi vọng con sẽ không vì thế mà làm điều dại dột. Nhiều lần thấy nhóm người đến tìm con, bà Bái đã quỳ lạy chúng, xin tha cho, lại bị chúng dọa dẫm, mắng chửi.
Cực chẳng đã, người mẹ vì thương con, đã làm một việc mà không phải ai cũng nghĩ ra, và nghĩ ra chưa chắc đã dám làm. Bà tổ chức đám ma giả cho con, dù đứa con vẫn còn sống khỏe mạnh. Ban đầu, bà phao tin con trai mắc bệnh phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Được vài hôm, dân làng nghe tiếp tin dữ, Quý qua đời do bệnh tình quá nặng.
Họ thấy bà Bái về nhà cùng một cỗ quan tài, tổ chức lễ mai táng cho con trai. Dù nhiều người ngỏ ý muốn nhìn mặt Quý lần cuối trước khi đưa đi mai táng, bà một mực từ chối, lý do: “Cháu nó mắc phải bệnh xã hội, không nên xem, lỡ bị lây bệnh”.
Đám tang tổ chức nhanh gọn. Không có nhiều thủ tục như những đám tang khác. Hàng xóm xót thương chàng trai vắn số, nhiệt tình giúp gia đình lo ma chay, chôn cất. Chiếc quan tài nhanh chóng được mang ra vườn chôn cất ngay trong đêm. Đám người xấu sau khi hay tin Quý qua đời, không còn bén bảng tới làm phiền gia đình.
Cảnh sát vào cuộc khai quật “mộ”
Sự việc chỉ được phát hiện khi ông trưởng thôn Đặng Văn Sinh cảm thấy có nhiều điều bất thường. Theo lời ông Sinh, lúc đó vào khoảng tháng 6/2009, nhận được tin anh Quý qua đời, ông đã phối hợp cùng gia đình lo lễ tang. Theo tục lệ ở địa phương, đám tang thường diễn ra 2 – 3 ngày nhưng riêng đám tang này chỉ vẻn vẹn trong vòng một ngày.
“Khi chúng tôi đến, chỉ thấy chiếc quan tài với khói nhang nghi ngút”, trường thôn nhớ lại.
Có một “điềm báo” khác, trong lúc họ hàng, người thân đang khóc lóc bên quan tài, mẹ cháu bé từng bị anh Quý xâm hại ở nhà kế bên chạy lại rỉ tai ông rằng: “Con chó đen nhà cháu không hiểu sao lại leo lên giường nằm ngủ những 2 lần dù bị xua đuổi”. Không mê tín, nhưng lời nói này khiến ông lóe lên một giả thiết bất ngờ.
Sau đám tang, móc xích lại những điều bất thường, ông càng cảm thấy có điều gì đó là lạ. Ông tìm sang nhà bà Bái hỏi cho rõ trắng đen. Ban đầu, bà Bái khẳng định con trai mình đã chết, tuy nhiên thái độ có vẻ khác thường.

Ông trưởng thôn là người phát hiện ra sự thật đám tang giả chết.
“Tôi “dọa” nếu con bà không chết mà bà khai gian, là vi phạm pháp luật và có thể chịu trách nhiệm hình sự. Nghe tới đây, bà Bái bật khóc nức nở, thừa nhận việc mình đã làm đám tang giả. Con trai bà ấy đã đi trốn ở nơi khác. Dẫn đến cơ sự này là do bà ấy quá thương con, thấy con sống khốn khổ, không cam lòng nên mới nghĩ ra cách đó. Dù rất thương hoàn cảnh mẹ con họ, nhưng tôi vẫn buộc phải báo cáo cấp trên”, trưởng thôn thuật lại.
Khoảng một tuần sau khi đám tang diễn ra, cuộc khai quật ngôi mộ được cơ quan chức năng tổ chức. Cả làng tò mò đổ tới xem. Trước sự chứng kiến của mọi người, quan tài được đưa lên mặt đất.
Bật nắp áo quan, ai nấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy những thứ bên trong. Quan tài chứa xi măng đúc hình người, một cái chăn, một cái chiếu, quần áo cũ, trọng lượng khoảng gần 50 kg, rất trùng khớp với cân nặng một người bình thường.
Sự thật đã phơi bày. Một số hàng xóm bức xúc, thậm chí lên án bà Bái vì lừa biết bao người. Người mẹ hiểu được mình đã sai, đến từng nhà lần lượt xin lỗi. Ai từng giúp gì trong đám tang, bà đều hoàn trả lại. “Hiểu ra, không ai còn tỏ ra khó chịu; ngược lại còn cảm thông, thương cho hoàn cảnh của bà ấy hơn. Ai ở trong trường hợp bà Bái, ắt sẽ tìm cách để con mình có cuộc sống tốt đẹp”, trưởng thôn bùi ngùi.
Người mẹ trần tình
Năm năm đã qua, ngôi nhà mái bằng nhỏ bé nằm giữa một khoảng đất rộng, xung quanh trồng cây lạc, nay đã bình yên. Bà Bái vóc dáng gầy gò đang bận rộn chăm sóc mảnh vườn.
Bà kể: “Số tôi đúng là bất hạnh cả đời. Chồng mất sớm. Con cái không ra gì. Một đứa vì mắc phải bệnh xã hội đã qua đời cách đây không lâu. Thằng Qúy lâm cảnh tù tội vì trót làm việc sai trái. Những đứa con khác đều có gia đình riêng nhưng kinh tế không khá giả nên không có điều kiện đỡ đần mẹ”, bà than thở.

Ảnh cưới vợ chồng anh Qúy
“Lầm lỗi của nó trước đây cũng đã phải trả giá bằng những ngày đi tù. Trở về nhà, nó thực sự muốn phục thiện, nhưng những người xấu kia không cho. Ngày đó tôi lại mang tâm lý e ngại, sợ chính quyền phân biệt đối xử với người như con tôi, nên không dám báo công an. Nhiều ngày mẹ con tôi vì bọn côn đồ mà phải sống trong lo âu sợ hãi. Thằng con tôi còn muốn quyên sinh để thoát đời. Thấy con như vậy, tôi làm sao có thể ngồi yên?”, bà phân trần.
“Dù biết việc làm đám ma giả cho con, lừa dối mọi người là việc làm sai, có lỗi với người xung quanh. Nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi không hề hối hận về việc làm đó”.
Được biết hiện anh Qúy đã có gia đình riêng. Vợ chồng anh đã có một tiệm sửa chữa xe máy ở gần TP. Thái Nguyên, cuộc sống khá hạnh phúc và êm ấm. Câu chuyện làm đám tang giả để cứu con vẫn được người địa phương nhắc lại, như thể hiện sự cảm thông và khâm phục tình yêu thương bà Bái dành cho con. Nếu không có việc làm táo bạo đó của bà, biết đâu anh Qúy đã không có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*