Chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) vừa công khai nguồn thu tiền công đức và số tiền nhà chùa chi ra làm công tác thiện nguyện thời gian qua.
Bộ Tài chính ngày 21/7 báo cáo Chính phủ kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.
Theo báo cáo, cả năm 2022, Yên Tử thu 3,7 tỷ đồng công đức.
Băn khoăn về tiền công đức ở Yên Tử
Đến hết tháng 4/2023, Quảng Ninh có 450 di tích lịch sử – văn hoá. Trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Theo báo cáo, cả năm 2022, Yên Tử thu 3,7 tỷ đồng công đức.
Theo đoàn kiểm tra, số thu báo cáo tại Yên Tử chỉ tương đương Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn tại đền Thánh Mẫu hay di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái và chưa bằng 20% số thu tại đền Cửa Ông (20 tỷ).
Du khách tham quan Yên Tử thưa thớt những ngày đầu Xuân 2022 do bùng dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cho rằng “điều này không tránh khỏi băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Yên Tử”.
Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập.
Như tại Yên Tử, theo số liệu do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, từ 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết mới chỉ tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích “không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí”. Đây là di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu tốt.
Không ai có thể “nhập nhèm” tiền công đức
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, một cán bộ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết, năm 2022, do dịp khai hội Xuân Yên Tử xuất hiện một đợt dịch COVID-19 nên số du khách cả năm 2022 chỉ khoảng 300.000 người, không được 2 triệu lượt khách như Bộ Tài chính nêu.
Vị này cũng thẳng thắn chia sẻ, trước năm 2018, khi Yên Tử chưa thu phí tham quan vãn cảnh thì “chúng ta hay kê thêm lượt khách lên cho xứng tầm danh thắng quốc gia. Còn thực tế, hàng năm trung bình (không có dịch) Yên Tử đón tầm 600.000 – 800.000 khách, có năm cao điểm là 1,1 triệu chứ chưa bao giờ được 2 triệu lượt khách”.
Nguồn thu ở Yên Tử được chia ra theo 3 hình thức: tiền công đức đặt trên ban lễ, tiền thả trực tiếp vào hòm công đức hoặc ghi phiếu công đức.
Về nguồn thu ở Yên Tử được chia ra theo 3 hình thức. Một là tiền công đức. Tiền này du khách đến chùa bỏ vào hòm công đức hoặc ghi phiếu công đức (nhưng tiền công đức vẫn thả vào hòm công đức). Việc quản lý tiền công đức do một hội đồng quản lý, giám sát, gồm các đại diện của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa); Công an TP Uông Bí; Phòng Tài chính Kế hoạch TP Uông Bí. Hội đồng giám sát có trách nhiệm hướng dẫn nhà chùa trong việc quản lý ghi, thu công đức.
Ngoài ra, hội đồng có nhiệm vụ niêm phong hòm công đức bằng tem niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần trong hội đồng để giao cho các tổ ghi thu công đức; mở hòm công đức, kiểm đếm số tiền công đức trong hòm, kiểm tra việc ghi thu chép trong sổ vàng công đức; ký biên bản xác nhận số tiền thực tế kiểm đếm; ký biên bản bàn giao toàn bộ số tiền trong đợt mở hòm công đức cho Ban quản lý tôn tạo Yên Tử (hiện do Hòa thượng Thích Thanh Quyết làm trưởng ban – PV) để gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng sử dụng theo các quy định tại quy chế quản lý thu và sử dụng tiền công đức.
Tổng số tiền công đức này nhà chùa sẽ trích lại 4% cho Ban Quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, để ban có kinh phí duy trì, hoạt động cho 70 người làm công tác bảo vệ an ninh khu vực, trông giữ cây cối trong rừng Yên Tử. Còn lại, nhà chùa giữ để hoạt động.
“Không ai dám nhập nhèm tiền công đức. Tầm 6, 7 năm trở về trước, trung bình mỗi năm cũng được gần 20 tỷ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tiền công đức ít đi là do thói quen của người dân đã thay đổi. Ngày xưa, mọi người đi chùa hay ghi phiếu công đức 100.000 đồng, 200.000 đồng… để lấy phiếu mang về nhà trưng như bằng khen, thành tích. Còn giờ ít người công đức như thế. Hơn nữa, khi Yên Tử đang trong quá trình trùng tu thì nhiều người sẽ công đức hơn để chùa có kinh phí xây dựng. Giờ chùa hoàn thiện, đẹp đẽ rồi nên cũng ít người công đức”, vị cán bộ cho hay.
Còn khoản thu thứ 2 là tiền giọt dầu. Đây là tiền mà người dân đi lễ hay đặt ở các ban thờ, không cho vào hòm công đức. Tiền này do nhà chùa, các sư toàn quyền quản lý, sử dụng. Được bao nhiêu, chi như nào các sư tự quyết, thành phố không tham gia.
Ngoài 2 hình thức này thì hàng năm có những doanh nghiệp lớn, mạnh thường quân cung tiến trực tiếp tiền cho nhà chùa qua tài khoản nhà chùa hoặc tiền mặt. Và tiền này sẽ do nhà chùa quản lý, không được thống kê là tiền công đức.
“Bởi thế mới có chuyện, từ 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu từ hòm công đức của Yên Tử là 287 tỷ đồng, trong khi đó tiền nhà chùa chi tận 638 tỷ đồng. Như vậy, hơn 300 tỷ kia đội lên chính là từ tiền giọt dầu và tiền các doanh nghiệp, đại gia trực tiếp gửi cho nhà chùa”, vị cán bộ Yên Tử lý giải.
Đã rõ tiền công đức chùa Ba Vàng
Trước thông tin từ Bộ Tài chính “không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí”, ngày 28/7/2023, chùa Ba Vàng đã có báo cáo thu chi tiền công đức gửi UBND TP. Uông Bí.
Tính từ 19/3/2023 đến 30/4/2023, tổng thu công đức, tài trợ cho Chùa ba Vàng và hoạt động lễ hội là 4,16 tỷ đồng.
Trụ trì chùa Ba Vàng – Đại đức Thích Trúc Thái Minh nêu rõ, việc nhà chùa “không báo cáo” vì nhà chùa không nhận được công văn về việc báo cáo. Đến ngày 24/7, chùa Ba Vàng mới nhận được công văn của TP Uông Bí về việc báo cáo quản lý tiền công đức.
Theo chùa Ba Vàng, tính từ 19/3/2023 đến 30/4/2023, tổng thu công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là 4,16 tỷ đồng. Tổng số chi cũng tương đương, trong đó chi ủng hộ gia đình nghèo vượt khó phường Quang Trung (Uông Bí) sửa chữa nhà là 20 triệu đồng; Hỗ trợ 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn phường Thanh Sơn 4,5 triệu đồng; Ủng hộ quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Duyên 100 triệu đồng; Hỗ trợ xây dựng 2 mái ấm tình thương huyện Minh Hóa, Quảng Bình là 140 triệu đồng.
Ngoài ra, nhà chùa cũng ủng hộ Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam làm nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở Điện Biên là 2 tỷ đồng; Ủng hộ Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam 500 triệu đồng; Ủng hộ TP Uông Bí xây nhà tạm dột nát 800 triệu đồng.
Để lại một phản hồi