Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho hay việc bổ sung quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí giúp xử lý các hành vi, đồng thời tạo răn đe, phòng ngừa rất lớn.
Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tổ về dự Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Cần thiết phải bổ sung vào luật
Dự luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Dự luật quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Đồng tình với dự luật, trung tướng Nguyễn Hải Trung – giám đốc Công an Hà Nội – dẫn chứng ngay ở thủ đô cũng có nhiều ví dụ điển hình cho thấy sự vướng mắc của quy định hiện hành và cần phải sửa luật, bổ sung quy định nêu trên.
Ông Trung nêu có nhiều vụ, các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng chỉ 15 – 16 tuổi rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường…
Nhưng rất khó xử lý, cùng lắm xử tội gây rối trật tự, song điều kiện phải xử phạt vi phạm hành chính rồi.
“Nếu bổ sung như dự luật lần này sẽ xử lý được tội khác với các đối tượng vi phạm ở độ tuổi đó”, ông Trung phân tích.
Dùng dao ‘có tính sát thương cao’, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải khai báo với công anĐỌC NGAY
Trung tướng Trung nói thêm, đúng như các đại biểu đã chỉ ra, việc bổ sung dao vào dự luật này cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích.
Chẳng hạn, phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau.
Ông nhấn mạnh việc bổ sung quy định này vào luật giúp xử lý được các hành vi, đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – phó giám đốc Công an Đắk Lắk – nói qua nghiên cứu, nhất là từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, các loại tội phạm sử dụng dao, công cụ tương tự dao phạm tội giết người với tỉ lệ rất cao.
Bà dẫn số liệu thống kê từ Bộ Công an cho thấy trong 5 năm vừa qua, lực lượng chức năng xử lý hơn 16.000 vụ, hơn 26.000 đối tượng sử dụng dao, công cụ tương tự dao để gây án.
Đặc biệt, nhiều vụ án giết người bằng dao có tính chất rất man rợ, manh động, gây bàng hoàng dư luận không chỉ phạm vi trong tỉnh mà cả nước.
Khi điều tra các vụ án, có nhiều vụ cơ quan điều tra chỉ khởi tố, truy tố nếu đối tượng phạm tội danh khác.
Một số nước như Úc, Anh… cũng có quy định dao là vũ khí. Ở các quốc gia này, khi sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày không sao. Nhưng khi đưa ra nơi công cộng (công viên, bến tàu, trường học…) là vi phạm pháp luật.
Bà Xuân nêu rõ quy định như dự thảo sẽ đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Nhất là các đối tượng nằm trong diện quản lý, có tiền án, tiền sự.
Không nên bổ sung dao là vũ khí thô sơ
Tuy nhiên, có một số đại biểu băn khoăn, đề nghị không bổ sung dao là vũ khí thô sơ.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cho rằng trường hợp sử dụng dao vào mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật chỉ nên gọi dao và các công cụ khác là hung khí gây án, không gọi vũ khí thô sơ. Ông đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp.
Còn trong trường hợp quy định sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
“Không nên bổ sung dao là vũ khí thô sơ vào trong dự thảo luật. Vì trong mỗi gia đình hầu như đều có các loại dao dùng để sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng khi có mâu thuẫn xảy ra, không kể loại dao nào cũng có thể gây sát thương và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người.
Mặt khác, nếu coi dao là vũ khí thô sơ hầu như các gia đình đều phải khai báo với cơ quan công an, nếu không sẽ vi phạm vào tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí”, ông Đức nêu.
Ông nói thêm, ngoài dao còn có kéo (nhất là kéo cắt sắt), búa… cũng là loại công cụ gây sát thương có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người, có được coi là vũ khí thô sơ như quy định đối với dao không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay quy định “dao có tính sát thương cao” chưa bao quát hết các loại công cụ có nguy cơ gây sát thương.
Bởi thực tế nhiều loại dao sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm khi sử dụng trái mục đích dù là nhỏ hay lớn. Do đó, đề nghị xem xét lại quy định này.
Để lại một phản hồi