Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét, điều chỉnh cho thông tuyến bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước, để tránh thiệt thòi đối với người tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế mới đây có văn bản trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT).
Cụ thể, cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Hiện người dân mua BHYT tại địa phương sinh sống, nhưng khi đi công tác hoặc làm ăn tại tỉnh khác bị ốm đau phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh thì không được thanh toán đầy đủ chi phí BHYT theo quy định do trái tuyến. Cử tri đề nghị xem xét, điều chỉnh cho thông tuyến BHYT trong phạm vi cả nước, để tránh thiệt thòi cho người tham gia BHYT.
Cùng đề nghị thông tuyến khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc, cử tri tỉnh Tiền Giang tiếp tục phản ánh việc chuyển tuyến khám chữa bệnh diện BHYT ở các bệnh viện tuyến đầu gây khó khăn cho nhân dân, nhất là các bệnh nan y mà tuyến huyện, tỉnh không đủ cơ sở vật chất thuốc đặc trị như ung thư, tim mạch, tai biến mạch máu não…
Tỷ lệ bao phủ BHYT ở Việt Nam đến hết năm 2023 đạt 93,35%, tương đương trên 93,3 triệu người tham gia. Ảnh: Thạch Thảo
Trường hợp được xác định là đúng tuyến
Theo Bộ Y tế, quy định của pháp luật về BHYT cho thấy trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa phương đó, tương đương với tuyến của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương, người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh khác có tổ chức khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Đối với trường hợp này được xác định là đúng tuyến BHYT và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo mức hưởng quy định.
Mở rộng thông tuyến BHYT tuyến trung ương cần xem xét để tránh quá tải
Về thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đã được quy định tại thông tư 14/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, việc chuyển tuyến chỉ được thực hiện khi cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo về điều kiện chẩn đoán và chữa trị, phải chuyển tuyến lần lượt từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương.
Theo quy định Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2016 người tham gia BHYT đã được thông tuyến huyện về khám chữa bệnh BHYT, nghĩa là người dân được khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trong tuyến huyện trong phạm vi tỉnh (Khoản 4 Điều 22) và được khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc (Khoản 3 Điều 22).
Từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT được thông tuyến tỉnh toàn quốc, nghĩa là được khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc; được hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú (trong phạm vi được hưởng ghi trên thẻ BHYT) tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương.
Theo Bộ Y tế, người tham gia BHYT hiện đã được thông tuyến huyện và tuyến tỉnh trên toàn quốc, việc mở rộng thông tuyến BHYT đối với tuyến trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải cho tuyến trung ương, tăng cường khám chữa bệnh BHYT ở tuyến cơ sở và bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Để lại một phản hồi