Bộ Y tế đề xuất: Béo phì, ngực lép không được làm nhân viên hàng không! Tại sao?

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe. Trong đó quy định tiêu chuẩn với người lái xe hạng A1, B1…, nhân viên hàng không.
Tại dự thảo này, Bộ Y tế đưa chi tiết các tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe ô tô các hạng, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam, nhân viên hàng không.

Với tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên hàng không, dự thảo quy định chỉ số khối cơ thể (BMI) phải lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30, vòng ngực trung bình (cm) từ trên 50% so với chiều cao.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành (trừ người có thai), nếu có BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân, từ trên 30 được xem là béo phì. BMI trên 40 được coi là bệnh béo phì và trên 50 là bệnh béo phì nặng.

Ngoài tiêu chuẩn chung trên, mỗi nhóm nhân viên hàng không có tiêu chuẩn riêng về chiều cao, trọng lượng cơ thể. Đối với người lái máy bay là nam phải có chiều cao từ 1,65m trở lên và nặng trên 52kg, nữ cao từ 1,58m và cân nặng từ trên 50kg.

Với nhân viên hàng không làm việc trong các bộ phận công việc khác, nam giới cần cao từ 1,60m – 1,62m và cân nặng từ 52kg – 53kg; còn nữ giới cần có chiều cao từ 1,54m – 1,58m và cân nặng từ 45kg.


Nữ tiếp viên hàng không phải đảm bảo yêu cầu về số đo vòng 1 (Ảnh minh họa)

Như vậy, nếu quy định vòng ngực phải bằng từ 50% chiều cao cơ thể trở lên, điều đó có nghĩa: Nữ tiếp viên hàng không cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 81cm. Nữ phi công cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 82,5cm.

TS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết theo phân loại với người châu Á, người có cân nặng bình thường khi BMI từ 18,5 đến 23. Nếu BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân; 25-30 là béo phì độ 1; 30-35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3.

“Phi công là nghề đặc thù, chuyên chở hàng trăm con người, do vậy bản thân họ phải có sức khỏe tốt, không bệnh tật. Nếu bị béo phì, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, chuyển hóa rất cao, thậm chí là đột quỵ trong lúc lái máy bay, vô cùng nguy hiểm”, bác sĩ Phúc nói thêm rằng các quy định này không phải là vấn đề thẩm mỹ mà là các yêu cầu sức khỏe.

Bên cạnh những quy định sức khỏe cho nghề đặc thù, Bộ Y tế cũng đề xuất các nhóm bệnh tật không đủ điều kiện lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Người lái xe hạng A1: đang rối loạn tâm thần cấp, rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi, liệt vận động từ hai chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định…

Người lái xe hạng B1: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi nhưng chưa đủ 6 tháng, động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng mà không dùng thuốc, chóng mặt do các bệnh lý, liệt vận động từ hai chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), song thị, dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định…

Người lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng, động kinh, liệt vận động một chi trở lên, rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây), song thị, quáng gà, dùng các chất ma túy, chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định, các thuốc điều trị làm ảnh hưởng khả năng thức tỉnh, lạm dụng chất kích thần, chất gây ảo giác…

Theo dự thảo, người đề nghị cấp giấy khám sức khỏe có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*