Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan sau khi rút ruột Ngân hàng SCB đã dùng phần lớn tiền đầu tư bất động sản và chuyển ra nước ngoài.
Ngày 27/12, tại họp báo kết quả công tác năm 2023 của Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), cho biết giai đoạn một vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã kết thúc điều tra, truy tố. Đây là vụ án rất lớn, số lượng bị can nhiều nên C03 phải tách để điều tra ở giai đoạn 2 và sẽ tập trung làm rõ hành vi Rửa tiền và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan phát hành trái phiếu. Hiện hai vụ án mới đã được điều tra, nâng tổng số bị can lên đến hơn 100 người.
Tướng Thành cho rằng, trong hành vi Rửa tiền, bà Lan bị nghi dùng tiền phạm tội để đầu tư bất động sản, mua gom các dự án bất động sản lớn. “Chúng tôi còn xác định có việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư. Bởi thế cảnh sát đã ủy thác điều tra thông qua hoạt động tư pháp và kết quả sẽ công bố sau”, ông Thành nói.
Với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo C03 cho hay bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc thông qua 3 công ty Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 lô trái phiếu trị giá hơn 30.000 tỷ đồng.
Khi điều tra, cảnh sát gặp khó việc xác định bị hại. Bởi thế, ông Thành đề nghị ai mua 25 lô trái phiếu của Vạn Thịnh Phát hãy liên hệ cơ quan điều tra ở nơi cư trú để trình báo, đảm bảo quyền lợi.
Trong vụ án đầu tiên xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, ngày 15/12, VKSND Tối cao đã đề nghị truy tố 86 bị can về 6 tội danh. Trong đó bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Trong những bị can còn lại có 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Tất cả bị truy tố về một trong các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt.
Theo cáo buộc, dù không trực tiếp giữ chức vụ nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần, nắm quyền điều hành và là người quyền lực nhất tại SCB. Bà sử dụng nhà băng này như một công cụ tài chính để huy động vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty con.
Từ tháng 2/2018 đến 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng về hành vi sai phạm về hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, 5,2 triệu USD.
Để lại một phản hồi