Đang bê nồi nước sôi 20 lít, người đàn ông 30 tuổi bị trượt chân, nước sôi dội vào người gây bỏng nặng, nguy kịch.
Ngày 9/8, bác sĩ Trần Ngọc Lương, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc, Trung tâm Y tế Lâm Thao, cho biết người bệnh được đưa vào viện khi đau đớn kích thích, bỏng từ vùng cổ, ngực, bụng, đến hai cánh tay, đùi. Sau tai nạn, bệnh nhân tự dội nước mát lên toàn bộ vùng tổn thương.
Các bác sĩ chẩn đoán sốc bỏng, diện tích thương tổn 32% cơ thể. Ê kíp hồi sức cấp cứu, giảm đau an thần, chống sốc, xử trí băng vết bỏng. Sau gần nửa tháng điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định, các vết bỏng đã khô và được ra viện.
Bác sĩ khuyến cáo bỏng là tai nạn thường gặp, có thể đe dọa tính mạng, để lại nhiều di chứng. Sơ cứu ban đầu tại nhà là một trong những yếu tố quan trọng để vết thương không bị ăn sâu và tránh tình trạng bội nhiễm. Lúc này, bệnh nhân nên ngâm ngay bộ phận bị bỏng (tay, chân…) vào trong nước mát, sạch hoặc xả nhẹ vòi nước vào vùng bỏng với nhiệt độ nước khoảng 15-20 độ C, trong 15-20 phút.
Trường hợp bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào nhằm giảm độ sâu của bỏng, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Nếu quần áo dính vào vết bỏng, tuyệt đối không được làm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau.
Tuyệt đối không được bôi hóa chất như dầu gió, nước vôi, kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thuốc nam vào vùng bị bỏng vì sẽ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.
Để lại một phản hồi