Các đường dây huê hụi này đều chơi trên mạng, các hụi viên không biết mặt nhau thậm chí không biết cả người hốt hụi do “bí mật cá nhân”.
Ngày 30-11, tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT và Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận tổ chức, Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an TP Phan Thiết đã cung cấp thông tin về các đường dây huê hụi bị vỡ hụi gần đây tại Phan Thiết.
Quang cảnh buổi họp giao ban báo chí. Ảnh AK.
Theo Thượng tá Trần Long Khánh, từ tháng 10 đến tháng 11-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phan Thiết đã nhận được 369 lá đơn tố cáo của những người ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành khác tham gia chơi huê hụi của 4 đường dây huê hụi ở Phan Thiết.
Cụ thể, đường dây huê hụi của Huỳnh Thị Thúy Vân (27 tuổi, ngụ phường Đức Long, Phan Thiết); Trần Thị Thanh Ngàn (25 tuổi, ngụ Nguyễn Hội, Phan Thiết); Ngô Thị Loan Chi (32 tuổi, Phú Thủy, Phan Thiết) và Nguyễn Thị Hoàng Sa (22 tuổi, ngụ Phú Hài, Phan Thiết).
Tổng số tiền tố cáo bốn cá nhân trên đã chiếm đoạt là gần 200 tỷ đồng và đây chưa phải là con số cuối cùng.
Trước tình hình trên, Công an TP Phan Thiết đã thành lập một Tổ công tác chuyên giải quyết, thụ lý đơn và đưa vào tin báo tố giác tội phạm để xử lý. Đồng thời báo cáo để cơ quan chức năng quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân nói trên và ra thông báo truy tìm trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra bắt giam chủ hụi Ngô Thị Loan Chi.
Hiện đang tiếp tục vận động các cá nhân còn lại quay về hợp tác với cơ quan điều tra.
“Qua xem xét, đánh giá các đường dây huê hụi này đều thực hiện qua mạng xã hội Zalo; Facebook.
Các hụi viên đều không biết nhau và chỉ có chủ hụi biết và thông báo cho từng thành viên qua tin nhắn rồi chuyển tiền vào tài khoản cho chủ hụi.
Đặc biệt, chủ hụi còn không thông báo tên tuổi người hốt hụi vì lý do “bí mật cá nhân” cho đến khi chủ hụi thông báo vỡ hụi, mất khả năng chi trả, tạm lánh mặt rồi tắt điện thoại, khóa trang mạng xã hội”, Trưởng Công an TP Phan Thiết cho biết.
Theo Thượng tá Trần Long Khánh, hình thức chơi hụi đã được pháp luật thừa nhận và cũng là hình thức góp vốn làm ăn từ lâu đời; Chính phủ đã ban hành Nghị định 19, quy định rất rõ. Tuy nhiên tại Bình Thuận đã xảy ra rất nhiều lần vỡ hụi ở nhiều địa bàn khác nhau trong đó có vụ vỡ hụi toàn tỉnh vào năm 1989 gây ra hậu quả rất nặng nề.
Nhiều con hụi mang cả quan tài, vàng mã đến nhà chủ hụi gây áp lực.
“Hình thức chơi hụi không theo qui định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 19 của Chính phủ mà lại chơi hụi trên mạng xã hội với lãi suất rất cao, khác xa tôn chỉ mục đích là góp vốn giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh. Vì thế khi chơi hụi cần phải tìm hiểu kỹ về người chơi, hình thức chơi; chủ hụi…Hãy tỉnh táo, thông minh trong việc đầu tư tài chính vào loại hình này. Tránh tình trạng chưa tìm hiểu kỹ và khi xảy ra vỡ hụi lại có những hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản; cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng; bắt giữ người trái pháp luật…”, Trưởng Công an TP Phan Thiết cảnh báo.
Để lại một phản hồi