Biển Đen dậy sóng khi Ukraine tấn công vào “trái tim” của hạm đội Nga

Các cuộc tấn công liên tiếp vào Crimea gần đây dường như là chiến lược của Ukraine nhằm làm suy yếu năng lực và gây tổn thất cho quân đội Nga khi Kiev mở chiến dịch phản công trên các mặt trận.


Trong những tuần gần đây, số vụ tập kích bằng xuồng tự sát, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Crimea, đặc biệt là thành phố Sevastopol, tăng đáng kể. Không chỉ Nga lên tiếng cáo buộc mà chính Ukraine cũng thừa nhận đứng sau các vụ tấn công này.

Ngày 11/9, Ukraine thông báo lực lượng đặc nhiệm nước này đã giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko, giàn khoan dầu ở ngoài khơi bờ biển Crimea. Đối với Ukraine, việc giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko có tầm quan trọng chiến lược, khiến Nga mất khả năng sử dụng chúng cho mục đích quân sự.

Tình báo Ukraine cho biết Tháp Boiko đã được Nga sử dụng làm bãi đáp trực thăng và triển khai thiết bị radar. Bộ Quốc phòng Anh cũng nói rằng tháp có thể đóng vai trò là “căn cứ để triển khai lực lượng, sân đỗ trực thăng và đặt hệ thống tên lửa tầm xa”.

Rạng sáng 13/9, Ukraine đã tập kích bằng tên lửa và xuồng tự sát vào một nhà máy đóng, sửa chữa tàu của Nga ở thành phố cảng Sevastopol, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga trên bán đảo Crimea.

Theo phía Ukraine, một tàu tấn công đổ bộ Minsk và một tàu ngầm Rostov-on-Don được Nga vận hành ở Biển Đen đã bị phá hủy không thể phục hồi. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Ukraine đã sử dụng 10 tên lửa hành trình và 3 xuồng tự sát không người lái, làm hư hại hai tàu chiến.

Ngày 14/9, quan chức an ninh Ukraine cho biết lực lượng quân sự nước này đã tiến hành cuộc tấn công phá hủy tổ hợp phòng không tầm xa S-400 do Nga triển khai ở phía tây bán đảo Crimea. Trước đó, vào cuối tháng 8, Ukraine cũng tuyên bố tên lửa chống hạm Neptune cải tiến đã phá hủy một hệ thống phòng không S-400 Triumf gần Olenivka ở phía tây Crimea, đồng thời gây thiệt hại cho bệ phóng và các tên lửa đất đối không.

Ngày 16/9, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái nhằm vào tàu chiến Nga.

Ngày 20/9, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine (NRC) tuyên bố “trụ sở chỉ huy chính của Hạm đội Biển Đen Nga” đã bị tấn công ở Verkhniosadove gần thành phố Sevastopol. Cùng ngày, người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Ukraine Andriy Yusov,cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa đã được tiến hành nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea.


Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga sau một cuộc tấn công tên lửa vào Sevastopol, Crimea hôm 22/9 (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, lực lượng phòng không nước này đã phá hủy 19 UAV của Ukraine ở Crimea và Biển Đen vào đêm 20/9, rạng sáng 21/9. Trong khi đó, nguồn tin tình báo Ukraine tuyên bố, lực lượng Ukraine đã triển khai UAV và tên lửa hành trình Neptune để tấn công căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea.

Căn cứ Saky tại thị trấn Novofedorivka ở bán đảo Crimea là một căn cứ quan trọng cho lực lượng không quân hải quân thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Đây không chỉ là nơi đồn trú của các tiêm kích Su-30, cường kích bom Su-24 và máy bay vận tải Il-76 mà còn là điểm khởi đầu cho nhiều hoạt động tác chiến tại Biển Đen cũng như khu vực miền Nam Ukraine.

Ngày 22/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã tập kích tên lửa vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, khiến tòa nhà bị hư hại và một quân nhân mất tích. Sau đó, đặc nhiệm Ukraine tuyên bố lực lượng quân sự nước này đã tiến hành cuộc tấn công vào nơi họp của các chỉ huy cấp cao hải quân Nga, khiến hàng chục người thiệt mạng hoặc bị thương. Lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine cho biết hai tướng Nga bị thương trong vụ tập kích này.

Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP do phương Tây cung cấp trong vụ tập kích mới nhất vào Hạm đội Biển Đen. Larry Johnson, cựu sĩ quan tình báo CIA (Mỹ), nhận định Không quân Ukraine không thể tập kích trụ sở Hạm đội Biển Đen nếu không có các dữ liệu trinh sát và nhắm mục tiêu từ các đối tác phương Tây.

“Đây là đòn giáng vào trái tim lực lượng Hạm đội Biển Đen. Mọi người sẽ nhìn thấy bởi điều đó không thể che giấu”, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat bình luận.

Vì sao Ukraine nhắm mục tiêu vào Crimea?
Crimea nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với đất liền của Nga ở phía đồng bằng eo biển hẹp Kerch.

Thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga từ nhiều năm qua và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Moscow.

Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến của Nga. Năm 2010, Nga và Ukraine đã ký kết một thỏa thuận gia hạn quyền hiện diện của hạm đội Nga ở Crimea cho đến năm 2042.

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: BBC).

Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.

Moscow được cho là đã trang bị cho Crimea hệ thống chống máy bay không người lái nhằm giảm thiểu mối đe dọa bị tấn công bởi thiết bị này. Nga đưa các tổ hợp S-400 Triumph và Pantsir-S trực chiến ở đây.

“Crimea đã trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm”, một tạp chí của Đức từng nhận định năm 2018.

Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành cây cầu dài 19km trị giá 4 tỷ USD nối Crimea với Nga, hay còn gọi là cầu Kerch. Giới chức Moscow gọi đây là một trong những cầu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Điều này là bởi nó có ý nghĩa chiến lược, tạo sự kết nối giữa bán đảo với đất liền Nga.

Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, cầu Crimea đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Moscow lập tuyến tiếp tế hậu cần cho lực lượng đang kiểm soát ở miền Nam Ukraine. Nga coi Crimea là điểm tập kết binh sĩ, trang thiết bị để tiếp viện cho lực lượng ở miền Nam và miền đông Ukraine – nơi Kiev đang phản công mạnh.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy “pháo đài an ninh” Crimea đang đối mặt với không ít thách thức. Loạt vụ nổ liên tiếp ở Crimea cùng với những tuyên bố của Ukraine về kế hoạch giành lại bán đảo làm dấy lên đồn đoán rằng Crimea có thể trở thành mặt trận khốc liệt tiếp theo giữa Nga và Ukraine.

Các quan chức Ukraine cho rằng tấn công Crimea là giải pháp chủ chốt để ngăn chặn đà tiến của Nga ở các khu vực khác của Ukraine. Alexey Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cảnh báo sẽ “đẩy người Nga ra khỏi Crimea” bằng vũ khí.

Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitsky tuyên bố Crimea là chìa khóa giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực. Mặt khác, ông nhấn mạnh việc Ukraine giành lại bán đảo là điều không thể thương lượng.

“Crimea là căn cứ chủ chốt đối với lực lượng dự bị quân đội của Nga. Đó là nơi họ có căn cứ chứa đạn dược, khí tài và binh lính. Vì vậy, việc phá hủy những căn cứ trên bán đảo là một phần chính trong nỗ lực phá thế kìm kẹp của Nga”, Mykhailo Podolyak, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, từng tuyên bố.

Người phát ngôn Cơ quan Tình báo Ukraine Andriy Yusov cho biết, “công việc theo kế hoạch của lực lượng an ninh và quốc phòng Ukraine vẫn tiếp tục nhằm vào các cơ sở quân sự của đối phương ở các vùng lãnh thổ tạm thời bị kiểm soát, bao gồm khu vực Crimea”.

“Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng là giành lại quyền kiểm soát Crimea của Ukraine. Ở giai đoạn này, vị trí của đối phương sẽ bị suy yếu. Crimea đang được sử dụng như một trung tâm hậu cần, cùng với những hoạt động khác, để luân chuyển lực lượng và phương tiện đến các khu vực khác của mặt trận.

Để phá hủy trung tâm hậu cần này, một số hoạt động nhất định đang được triển khai và thực hiện, cả ở trên biển, trên bộ và trên không”, người phát ngôn cho biết thêm.


Khói bốc lên tại trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga sau trận tập kích (Ảnh: Dailymail).

Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Lực lượng An ninh và Quốc phòng miền Nam Ukraine, nhận định tình hình ở Biển Đen vẫn “căng thẳng”. Theo ông, “Nga nhận ra họ không còn an toàn tại Biển Đen và các căn cứ của mình”.

Giới phân tích cho rằng, Biển Đen “dậy sóng” sau khi Nga chấm dứt thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu 33 triệu tấn thực phẩm bằng tàu do Nga kiểm tra. Vào tháng 8, Ukraine dùng xuồng tự sát tập kích tàu chở dầu Sig của Nga – con tàu từng tiếp tế cho lực lượng của Moscow ở Syria – tại phía nam eo biển Kerch, đồng thời tuyên bố tất cả cảng lớn của Nga tại Biển Đen là “vùng có nguy cơ giao tranh”.

Theo quan chức Ukraine, Kiev vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” để “phá hủy toàn bộ khả năng của Nga” ở Crimea. Ông Humeniuk cảnh báo “vẫn còn nhiều điểm như vậy trên bản đồ Crimea”.

“Giai đoạn bùng nổ sẽ tiếp tục và sẽ có thêm nhiều điều thú vị cũng như nhiều thông tin sắp tới”, ông Humeniuk nói.

Tướng Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy chiến dịch quân sự của Ukraine dọc chiến tuyến phía nam, cho rằng các cuộc tấn công vào Crimea, bao gồm trận tập kích vào Hạm đội Biển Đen, đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của chiến dịch phản công.

“Thành công của chiến dịch phản công không chỉ là hạ gục đối phương trước mắt, mà còn là phá hủy những nơi tập trung trang thiết bị, nhân sự và đặc biệt là phá hủy các trung tâm chỉ huy. Việc vô hiệu hóa lực lượng của họ bằng cách phá hủy các trung tâm chỉ huy ở cấp độ cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên chiến trường. Một chỉ huy bị hạ gục có nghĩa là một liên kết chỉ huy bị phá hủy và nếu không có nó thì sẽ không có hành động phối hợp nào”, tướng Tarnavsky giải thích.

Theo ông Tarnavsky, bán đảo Crimea có vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận do Nga tập trung nhiều thiết bị quân sự tại đây.

“Chúng tôi biết họ tấn công từ đâu, cả trên không cũng như trên mặt đất. Việc tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga mang lại lợi thế cho Ukraine và mang lại cho chúng tôi hy vọng về tương lai”, tướng Ukraine nói thêm.

Theo Oleksandr Musiienko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Quân sự Ukraine, các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea và Sevastopol là một chiến lược của lực lượng vũ trang Ukraine.

“Đây không phải là chiến thuật, đó là một chiến lược có chủ ý nhằm phi quân sự hóa Crimea khỏi sự hiện diện của quân đội Nga. Chiến lược này nhằm vào hai mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên là phá hủy năng lực của Hạm đội Biển Đen, bao gồm cả tàu nổi và tàu ngầm của lực lượng Nga, nhằm thiết lập vai trò kiểm soát của Ukraine ở khu vực phía tây bắc Biển Đen. Mục tiêu thứ hai là giảm bớt các cơ sở quân sự ở Crimea mà Nga có thể sử dụng để hỗ trợ lực lượng của họ ở phía nam, nơi đang phải đương đầu với cuộc phản công của Ukraine”, chuyên gia Musiienko nhận định.

Đòn giáng vào sức mạnh quân sự Nga

Tàu Nga bị hư hại sau trận tập kích vào Sevastopol ngày 13/9 (Ảnh: Reuters).

Hạm đội Biển Đen của Nga phụ thuộc rất nhiều vào căn cứ hải quân chiến lược và xưởng đóng tàu nằm trên bán đảo Crimea nhằm giúp Nga duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, các cuộc tấn công gần đây vào căn cứ hải quân và xưởng đóng tàu của Nga là đòn giáng nặng nề vào hoạt động hậu cần hàng hải, hiệu suất và khả năng sống sót của tàu chiến Nga ở Biển Đen, vì Moscow thiếu khả năng hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng hải quân ở những nơi khác trong khu vực.

“Cuộc tấn công này là thành công lớn đối với Ukraine. Đó là đòn giáng tiếp theo vào hoạt động hậu cần trên biển của Nga”, Michael Petersen, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định.

Ảnh chụp vệ tinh của công ty Black Sky chụp ngày 13/9 cho thấy, sau cuộc tấn công của Ukraine, hai tàu của Nga bị hư hại nặng khi đang neo tại ụ nổi của xưởng đóng tàu ở Sevastopol. Những hình ảnh do Nhóm Tình báo Xung đột (CIT) công bố cho thấy tàu ngầm của Nga bị hư hại sau cuộc tấn công của Ukraine.

Bryan Clark, cựu sĩ quan tàu ngầm của Hải quân Mỹ và là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson, cho biết thiệt hại được cho là “nghiêm trọng đến mức khiến tàu ngầm bị hư hại toàn bộ”. Theo Oryx, trang web lưu giữ danh sách các tàu Nga bị Ukraine tấn công, Rostov-on-Don được ghi nhận là vụ mất tàu ngầm đầu tiên của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng tàu ngầm của Nga “có thể bị thiệt hại thảm khốc” và bất kỳ nỗ lực nào để đưa con tàu trở lại hoạt động bình thường có thể mất nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Nếu thiệt hại trở nên nghiêm trọng, nó có thể làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Biển Đen, thậm chí tổn thất của Nga không chỉ dừng lại ở một vài tàu chiến.

“Việc hai tàu bị phá hủy rõ ràng có thể sẽ khiến ụ nổi không thể hoạt động được cho đến khi lực lượng Nga dọn sạch các mảnh vỡ, việc này có thể mất một khoảng thời gian đáng kể”, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một cơ quan có trụ sở tại Washington, cho biết.

Theo các chuyên gia ISW, bất kỳ thiệt hại nào đối với các cơ sở sửa chữa chính của Hạm đội Biển Đen đều “có thể dẫn đến những tác động đáng kể trong trường hợp Ukraine tiếp tục tấn công vào khí tài hải quân của Nga ở Crimea”. Nhà máy đóng tàu ở Sevastopol tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng hậu cần và sửa chữa cho tàu chiến của Hạm đội Biển Đen, khiến nó trở nên quan trọng trong việc giúp Nga duy trì hạm đội.

Ngoài Sevastopol, Hạm đội Biển Đen không có nhiều lựa chọn thay thế khi sửa chữa và nâng cấp tàu chiến. Ngành đóng tàu của Nga từ lâu đã đối mặt với một số vấn đề và các vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, cùng với đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như các cuộc tấn công của Ukraine vào Sevastopol và các khu vực xung quanh Biển Đen.


Lực lượng Ukraine khai hỏa pháo vào mục tiêu của Nga (Ảnh: Reuters).

Michael Petersen, một chuyên gia về chiến lược và hoạt động hải quân Nga, cho rằng Nga có thể sử dụng các ụ nổi ở thành phố cảng Novorossiysk, nơi trước đây cũng từng là mục tiêu của Ukraine. Tuy nhiên, cơ sở này có thể đang bị quá tải do tình trạng tồn đọng, khiến bất kỳ tổn thất nào ở Sevastopol cũng trở thành vấn đề lớn đối với Nga.

“Cuộc tấn công vào Sevastopol có khả năng là một đòn chiến lược lớn nhằm vào Nga. Nga không có đủ ụ nổi để phục vụ và sửa chữa đội tàu hải quân cũng như đội tàu dân sự của họ. Nếu ụ nổi bị hư hỏng nặng và cần sửa chữa, lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa tàu sẽ bị trì hoãn”, chuyên gia Petersen nhận định.

Ben Hodges, trung tướng đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu Sevastopol đã cho thấy sự “tinh vi” trong kế hoạch tấn công của quân đội Ukraine.

Ông lưu ý rằng các cơ sở bảo trì là mục tiêu có giá trị cao để Ukraine theo đuổi, vì tổn thất ở các cơ sở này khiến đối phương khó có thể giữ đội tàu “hoạt động với hiệu quả cao nhất” trong thời gian dài.

“Bạn có thể đánh chìm tàu, và nếu bạn có thể đánh chìm toàn bộ tàu thì rõ ràng đó là thành công của bạn. Nhưng trong trường hợp này, việc phá hủy, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng, một cơ sở bảo trì tàu sẽ có tác động lâu dài đáng kể hơn nhiều đến khả năng tiếp tục hoạt động của các lực lượng Nga”, ông Hodges cho biết thêm.

Cuộc tấn công ở Sevastopol diễn ra ngay sau các hoạt động đáng chú ý khác của Ukraine gần đây nhằm vào các mục tiêu chiến lược của Nga trong và xung quanh Crimea.

Các hoạt động này bao gồm phá hủy các hệ thống phòng không, tấn công đổ bộ, tấn công bằng xuồng không người lái vào cây cầu quan trọng và giành lại các giàn khoan dầu đã được Nga kiểm soát từ nhiều năm trước.

Tướng Hodges cho rằng, tất cả hành động này là một phần trong chiến dịch của Ukraine nhằm gây áp lực lên Nga, khiến Crimea trở thành khu vực mà Moscow “không thể nắm giữ”. Ngoài ra, các cuộc tấn công cũng góp phần thúc đẩy nỗ lực phản công quy mô lớn của Ukraine.

“Ở cấp độ chiến thuật, dường như một phần chiến lược của Ukraine là gây tổn thất cho các hoạt động của Hạm đội Biển Đen. Logic được cho là nếu Hạm đội Biển Đen muốn hoạt động ngoài Sevastopol, họ sẽ phải trả giá đắt.

Ở cấp độ chiến lược của cuộc chiến, mục tiêu (của Ukraine) là đẩy hoàn toàn Nga khỏi Crimea. Các mục tiêu chiến lược và chiến thuật này đan xen với nhau”, chuyên gia Petersen nói.

“Một cách để đưa Hạm đội Biển Đen khỏi Sevastopol là tăng tổn thất đến mức Moscow quyết định họ không thể hoặc không muốn hứng chịu tổn thất và rút hạm đội”, ông Petersen nói thêm.

Nga trước đó đã di dời một số tàu từ Sevastopol đến Novorossiysk sau một cuộc tấn công bằng UAV của hải quân Ukraine vào mùa thu năm ngoái. Giờ đây, các cuộc tấn công mới tiếp tục đe dọa các tàu chiến đang được bảo trì và các cơ sở quan trọng.


Cầu Crimea nhiều lần trở thành mục tiêu bị tập kích (Ảnh: Reuters).

Bất chấp những nỗ lực của Ukraine nhằm đe dọa quân cảng của Nga và đẩy Hạm đội Biển Đen khỏi Sevastopol, chuyên gia Petersen cảnh báo “khả năng này khó xảy ra nếu Ukraine không đạt được bước tiến đáng kể trên thực địa”.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc Ukraine liên tục nhắm mục tiêu vào Crimea. Về mặt chính trị, đây là dấu hiệu cho thấy mặc dù tiến độ phản công ở tuyến đầu bị đình trệ, nhưng Ukraine vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội Nga. Các mục tiêu như cầu Crimea có giá trị biểu tượng cũng như mục đích chiến lược đáng kể.

Đây cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Ukraine ở Crimea, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk nhằm tấn công các trung tâm hậu cần, nhiên liệu, bảo trì và sở chỉ huy của Nga, từ đó làm gián đoạn khả năng tiếp tế cho tiền tuyến của Moscow.

Hạm đội Biển Đen của Nga đã tham gia vào hàng trăm cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào Ukraine và đe dọa hoạt động vận chuyển tại các cảng thương mại của Ukraine.

Theo nhà phân tích Tim Lister của CNN, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các cơ sở hậu cần và sở chỉ huy của Nga, cũng như việc nhắm mục tiêu vào các tàu trên biển và trong bến tàu, đều được xem là một “chiến thắng” đối với Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7.

Nhà phân tích Lister cho rằng, Ukraine đã nỗ lực đáng kể để làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga ở Crimea. Nỗ lực đó giờ đây dường như đã được “đền đáp” khi tên lửa Neptune của Ukraine hay tên lửa Storm Shadows do Anh cung cấp đều có khả năng tiếp cận các mục tiêu sâu bên trong Crimea.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*