Theo luật sư phân tích, bị tuyên án tử hình chưa phải “dấu chấm hết” cho bị cáo Trương Mỹ Lan, nữ doanh nhân hoàn toàn có thể được tòa cấp phúc thẩm giảm án, được Chủ tịch nước ân xá, nếu tích cực khắc phục hậu quả vụ án.
Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, TAND TPHCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay”; tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp mức án chung, bà Lan chịu tử hình.
Khi tòa công bố mức án, bà Lan loạng choạng đứng không vững, được các cảnh sát đỡ. Ngay sau đó bà cố trấn tĩnh, tiếp tục đứng nghe cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Về thiệt hại của vụ án, HĐXX xác định, bản chất số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt để sử dụng, nên có nghĩa vụ bồi thường cho ngân hàng SCB. Tuy nhiên, đến nay đã có một số khoản vay được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
Theo HĐXX, nhằm đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, tòa buộc bà Lan và các đồng phạm chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền thiệt hại là 498.000 tỷ đồng. Nhưng về trách nhiệm dân sự, bà Lan và các bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng (tổng dư nợ của 1.284 khoản vay liên quan đến nhóm của bà Lan và Vạn Thịnh Phát, sau khi cấn trừ đi một số khoản được tất toán sau thời điểm khởi tố còn là hơn 673.000 tỷ).
Tòa cũng tuyên tiếp tục kê biên các tài sản để đảm bảo thi hành án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Nêu quan điểm sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nhận án tử hình chưa phải dấu “chấm hết” cho Trương Mỹ Lan.
Theo luật sư Giáp, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới bị tuyên án sơ thẩm, đây là bản án chưa có hiệu lực về pháp luật, người bị tuyên án còn quyền kháng cáo trong 15 ngày và Viện kiểm sát cũng có quyền kháng nghị nếu thấy án chưa phù hợp.
Luật sư phân tích thêm, kể cả khi kháng cáo, kháng nghị mà phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên tử hình, bà Lan vẫn có quyền gửi đơn lên lên Chủ tịch nước xin “ân giảm”.
Theo dõi vụ án, luật sư Giáp bày tỏ đáng tiếc khi một doanh nhân lớn như bà Trương Mỹ Lan từng có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, được đánh giá trong hoạt động kinh doanh, thu hút, mời gọi được nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhưng “lầm đường lạc lối”.
Đánh giá về bản án vừa được tuyên, luật sư Giáp cho rằng đây là mức án phù hợp quy định pháp luật, tương xứng với hành vi Trương Mỹ Lan và nhóm đồng phạm. Bởi, thiệt hại trong vụ án rất lớn, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, xâm hại nền kinh tế, làm mất niềm tin trong nhân dân, đặc biệt những người đã gửi tiền vào SCB có những thời điểm họ bao vây ngân hàng để đòi lại những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình gửi song bị chiếm đoạt.
Tại Việt Nam, luật sư Giáp cho hay, án tử hình thường được tuyên với tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người; mua bán trái phép chất ma túy; tham ô tài sản số lượng lớn.
“Nếu bà Lan kháng cáo, từ nay đến giai đoạn mở phiên phúc thẩm sẽ rất quan trọng, HĐXX cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể xem xét giảm nhẹ án phạt từ tử hình xuống chung thân khi bà này tích cực khắc phục hậu quả, cung cấp thêm nhiều tình tiết mới được ghi nhận…. Ngoài quy định kháng cáo xin giảm nhẹ, gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”, luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.
Để lại một phản hồi