Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận lợn qua đời

Richard Slayman, 62 tuổi, người đầu tiên được ghép thận từ lợn biến đổi gene đã qua đời hai tháng sau ca cấy ghép.

Ông Slayman được xuất viện vào tháng 3, hai tuần sau cuộc phẫu thuật đột phá tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng quả thận sẽ giúp ông sống thêm được ít nhất hai năm. Tuy nhiên, đến ngày 11/5, gia đình xác nhận ông đã qua đời.

Nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Massachusetts cho biết họ rất đau buồn khi nhận được thông tin này. Hiện họ chưa tìm ra nguyên nhân khiến ông Slayman tử vong sau một thời gian nhận tạng mới. Giả thuyết thường thấy nhất là hiện tượng thải ghép (cơ thể đào thải nội tạng mới) hoặc một số loài virus động vật có trong tạng hiến.

Quả thận cấy ghép cho ông Slayman đã được công ty eGenesis Bio biến đổi gene để có sự tương thích với con người. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa 68 DNA của lợn, ngăn chặn tình trạng thải ghép. Họ cũng loại bỏ ba gene trên bề mặt tế bào lợn có thể bị hệ miễn dịch của người nhận ra và tấn công. Đồng thời, các nhà khoa học vô hiệu hóa retrovirus, loại virus có thể lây nhiễm sang người.

Slayman là người đầu tiên trên thế giới sống sót và được xuất viện sau khi thực hiện ca phẫu thuật. Trước đó, các chuyên gia đã thử nghiệm cấy ghép tạm thời thận lợn vào người chết não. Các bệnh nhân đều tử vong sau vài tháng.


Bệnh nhân Rick Slayman được xuất viện sau khi đã hồi phục từ ca ghép thận lợn, ngày 4/4. Ảnh:Massachusetts General Hospital

Vào năm 2018, ông đã được ghép thận theo phương pháp thông thường, tuy nhiên vào năm ngoái, quả thận có dấu hiệu bị hỏng, ông phải chạy thận trở lại. Khi xuất hiện biến chứng lọc máu đòi hỏi phải phẫu thuật thường xuyên, các bác sĩ đã đề nghị gia đình cho ông ghép thận lợn.

Trong tuyên bố mới nhất, gia đình ông Slayman đã bày tỏ lời cảm ơn đối với bác sĩ. “Những nỗ lực to lớn của họ trong việc cấy ghép dị chủng (xenotransplant) đã đem lại cho chúng tôi thêm 7 tuần sống với Rick. Những kỷ niệm của chúng tôi trong thời gian đó vẫn sẽ ở lại mãi trong tim”, gia đình cho biết.

Cấy ghép dị chủng là hình thức sử dụng tế bào, mô hoặc cơ quan từ động vật để thay thế cho con người. Ca phẫu thuật của ông Slayman đem lại niềm hy vọng cho hàng nghìn người vẫn phải chờ đợi thời gian dài để tiến hành cấy ghép nội tạng. Vào tháng 4, Lisa Pisano, một phụ nữ ở New Jersey, cũng đã được ghép một quả thận lợn biến đổi gene và máy bơm cơ học cho tim.

Các ca phẫu thuật thất bại chủ yếu do hệ thống miễn dịch của con người ngay lập tức phá hủy mô của các loài động vật lạ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*