Trái đất sắp có thêm một láng giềng mới, ‘mặt trăng thứ 2’ của mình, nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn.
Từ ngày 29.9-25.11, các nhà thiên văn học tính toán rằng “mặt trăng mini” này sẽ xoay quanh trái đất, trước khi dần dần thoát khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, thiên thể có ký hiệu 2024 PT5 chỉ có kích thước khoảng 10 m nên rất khó quan sát từ trái đất.
Thiên thể này được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hôm 7.8, xuất phát từ vành đai thiên thể Arjuna và sẽ quay lại nơi đây sau khi rời quỹ đạo trái đất.
2024 PT5 chỉ có kích thước khoảng 10 m nên rất khó quan sát
Giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu Carlos de la Fuente Marcos và Raúl de la Fuente Marcos viết: “Trái đất có thể thường xuyên bắt giữ các tiểu hành tinh từ quần thể vật thể gần trái đất và kéo chúng vào quỹ đạo, biến chúng thành các mặt trăng nhỏ”.
NASA có chương trình riêng để theo dõi vị trí và quỹ đạo của hàng chục ngàn tiểu hành tinh, bao gồm các thông số quỹ đạo và tóm tắt cách tiếp cận gần.
Ông Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần trái đất tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA, cho biết 2024 PT5 có thể là một mảnh vật chất bị bắn ra từ một vụ va chạm trên mặt trăng. Điều này có nghĩa là mặt trăng nhỏ có nguồn gốc là một mảnh của mặt trăng ban đầu.
Nghiên cứu cho biết các mặt trăng nhỏ có thể có nhiều loại, trong đó có những thiên thể quay một hoặc nhiều vòng quanh trái đất, và cũng có những thiên thể không hoàn thành trọn vòng quay.
Để lại một phản hồi