Bão Yagi dự kiến đổ bộ với sức gió cấp 9-12

Khu vực bão đổ bộ từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa, trong đó vùng ven biển gió mạnh cấp 12, sâu đất liền cấp 9, gây mưa 300-400 mm trong hai ngày 7-8/9.

Chiều 5/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với 28 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan để ứng phó với siêu bão Yagi.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 17h tâm bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 380 km, cường độ siêu bão (184-201 km/h), giật trên cấp 17. Trong ba ngày qua, trung bình cứ sau ba giờ bão tăng một cấp, từ 8 lên 16.


Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Yagi lúc 16h ngày 5/9. Ảnh: NCHMF

Siêu bão đã chuyển sang hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h. Dự kiến từ nay đến chiều tối mai, khi áp sát bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam của Trung Quốc, bão tiếp tục giữ cường độ siêu bão. Tối mai, khi vượt đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ, bão giảm còn cấp 13-14. Từ chiều 7/9, bão đổ bộ miền Bắc, trọng tâm từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa.

Bão có hoàn lưu rộng, ở cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, từ cấp 10 trở lên bán kính 150 km, cấp 12 trở lên là 80 km. Hình ảnh mây vệ tinh cũng cho thấy mắt bão rất sắc nét, đĩa mây bao quanh dày và rất rộng.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết các trung tâm dự báo quốc tế đều nhận định Yagi duy trì cấp siêu bão cho tới khi gần đảo Hải Nam. Vào vịnh Bắc Bộ, bão có thể giảm còn cấp 13-14, giật cấp 16; vào đất liền xuống cấp 9-12 tùy khu vực, giật cấp 13-14.


Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia. Ảnh: Việt An

Hai ngày qua, vệ tinh ước lượng mưa dọc đường đi của bão lên 200-300 mm. Mưa của Yagi gần giống mưa bão Rammasun năm 2014 khi đều diễn ra trong tháng 9, song cơn bão này có nhiều yếu tố cực đoan do hoàn lưu rộng, thời tiết nóng, độ ẩm cao. “Đây là những yếu tố bất lợi có thể gây mưa giông, lốc trước khi bão vào”, ông Khiêm nói.

Đường đi Yagi được cho giống với bão Damrey năm 2005. Khi bão này đổ bộ đã tàn phá hệ thống đê biển Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, làm 68 người chết. “Yagi rất mạnh, đạt cấp 13, giật cấp 16, nguy cơ tàn phá cao nên cần hết sức cảnh giác”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Do mưa lớn 300-400 mm tập trung trong hai ngày 7-8/9 nên sẽ xuất hiện lũ diện rộng, nguy cơ sạt lở đất ở vùng sườn dốc, ngập úng vùng trũng thấp, đô thị.

Lo ngại mưa lũ sau bão, đê biển nguy cơ vỡ nếu bão cấp 12

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, đến chiều nay biên phòng các tỉnh ven biển miền Bắc và Trung đã kiểm đếm, hướng dẫn tránh trú cho hơn 50.000 tàu cá và gần 220.000 người. Dự kiến Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An cấm biển từ trưa mai, riêng Ninh Bình từ chiều nay. Trên các đảo hiện còn hơn 2.300 khách du lịch, đều đã nhận thông tin về bão và chủ động phương án di chuyển.

Ông Luận đặc biệt lo lắng cho các tuyến đê biển, đê cửa sông vì hiện chỉ được thiết kế chống chịu mức bão cấp 9-10, nếu theo dự báo bão đổ bộ cấp 12 thì “nguy cơ vỡ rất cao”. Hiện từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý, trong đó nhiều nhất là Hải Phòng 10 điểm, Thái Bình và Nam Định mỗi tỉnh 8 điểm.


Ảnh vệ tinh siêu bão Yagi khi đang tiến gần đảo Hải Nam của Trung Quốc lúc 16h43 hôm nay. Ảnh: Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn quốc gia

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói sau 10 năm đồng bằng sông Hồng mới có bão lớn. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là vùng trọng điểm kinh tế, tập trung nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản, du lịch, khai thác hầm lò nền cần “hành động khẩn trương để không hối tiếc”. Hiện chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

“Đã có nhiều bài học về sự chủ quan. Lần này chỗ nào có nguy cơ cao cần tuyên truyền, chuẩn bị các phương án, hạn chế hoạt động đông người, sớm kiểm tra các điểm tránh trú bão”, Bộ trưởng nói. Ngày mai, Bộ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra những nơi xung yếu nhằm chuẩn bị phương án ứng phó.

Các địa phương được yêu cầu kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè khi bão đổ bộ. Với sức gió cấp 13, tàu thuyền có thể chìm ngay tại nơi neo đậu nếu không chằng chống kỹ. Người dân, khách du lịch phải được sơ tán khỏi nhà bán kiên cố. Tùy tình hình, các địa phương có thể cho học sinh nghỉ học.

Chính quyền các tỉnh thành miền Bắc cần tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng néo nhà cửa; tập trung thu hoạch lúa, thủy sản đã tới ngày với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chính quyền khuyến cáo người dân không tham gia giao thông trong thời gian bão đổ độ, từ sáng thứ bảy nên ở trong nhà.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần theo dõi chặt đường đi của bão và thông báo chi tiết hơn như bên cạnh cấp độ báo, rủi ro nguy hiểm cần đưa ra thông tin gần gũi để người dân hình dung bão cấp 12 thì thế nào. Các cơ quan dự báo phải làm việc cường độ cao hơn, dự báo thường xuyên, số liệu phải đầy đủ chính xác.

Phó thủ tướng đặc biệt lo ngại mưa sau bão gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mỗi lực lượng, tổ chức, cấp lãnh đạo phải làm tốt trách nhiệm của mình, không buông lỏng, chủ quan. “Từ hôm nay tới trưa mai, nếu cần thiết phải cưỡng chế di dời khách du lịch như với bà con ở vùng nuôi thủy sản”, Phó thủ tướng nói.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*