Theo luật sư, bảo vệ ngân hàng bị cướp đâm chết ở Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn để được xem xét, công nhận liệt sĩ vì hành động dũng cảm của mình.
Như PLO đã đưa tin, khoảng 14 giờ chiều nay, Trần Văn Trí (22 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã vào chi nhánh 1 ngân hàng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để cướp.
Ngay khi vào bên trong, Trí cầm súng và bắn một phát chỉ thiên để uy hiếp nhân viên cùng bảo vệ tại đây còn Cường cầm dao đến quầy nhân viên giao dịch đe dọa buộc đưa tiền.
Trước thái độ hung hãn, manh động của Trí và Cường, nhân viên ngân hàng và đặc biệt là bảo vệ ngân hàng Trần Minh Thành (50 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã kiên quyết ngăn chặn, chống trả quyết liệt. Trí và Cường buộc phải bỏ chạy.
Bảo vệ ngân hàng Trần Minh Thành bị cướp đâm chết khi được đưa tới bệnh viện. Ảnh: MT.
Người dân và nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng khống chế bắt giữ được Trí. Riêng Cường nhanh chân bỏ chạy. Bảo vệ Thành lập tức truy bắt thì bị Cường đâm, tử vong trong quá trình cấp cứu tại bệnh viện.
Trước thông tin này, nhiều bạn đọc chia buồn cùng gia đình bác bảo vệ, khâm phục sự dũng cảm của bác, đồng thời, bạn đọc cũng đề nghị xem xét phong tặng liệt sỹ cho bác bảo vệ dũng cảm, hy sinh trong quá trình truy bắt tội phạm.
Như vậy, với hành động dũng cảm, kiên quyết truy bắt cướp trên của bảo vệ Thành có đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ theo quy định hiện hành?
Trả lời câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho hay, điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ hiện nay được áp dụng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.
Căn cứ vào điểm k, điểm e Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 và điểm k, khoản 14 Điều 14 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP thì một người sẽ được xem xét, công nhận liệt sĩ trong các trường hợp sau: Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh. Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Người được xem xét công nhận liệt sĩ trong trường hợp này bao gồm các yếu tố sau: Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc; Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân; Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội….
“Xem xét hành động của ông Thành trong trường hợp nêu trên cho thấy mặc dù 2 tên cướp rất hung hãn, dùng súng để tấn công nhưng ông Thành vẫn dũng cảm để ngăn cản. Khi 2 tên cướp bỏ chạy, ông đã cùng một số người dân truy bắt. Một trong hai người bị truy bắt đã bất ngờ rút dao tấn công khiến ông Thành tử vong. Hành vi sử dụng vũ khí để cướp ngân hàng là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Hành động của ông Thành trong trường hợp này là rất dũng cảm để ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng cướp tài sản của ngân hàng, nơi ông làm nhiệm vụ bảo vệ. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, tôi thấy rằng ông Thành có đủ tiêu chuẩn để được xem xét, công nhận liệt sĩ bởi hành động dũng cảm của mình”, luật sư Tuấn nhận định.
Tương tự ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Chí Tường (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) phân tích thêm: “Nhiều người đối với trường hợp này có thể thờ ơ, bỏ qua, chọn sự an toàn cho chính mình. Nhưng anh bảo vệ đã rất dũng cảm chọn con đường chống lại cái xấu, hành động này cần được tôn vinh”.
Trao đổi với PLO, bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho hay, sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Đà Nẵng, Công an quận và quận Ngũ Hành Sơn đã quyết định hỗ trợ gia đình 25 triệu đồng.
Ngoài sự hỗ trợ trên, ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng cũng cho biết sẽ hỗ trợ gia đình ông Thành 5 triệu đồng để lo hậu sự.
Để lại một phản hồi