Ám ảnh cảnh tiêm thuốc độc của tử tù, nếu 3 lần tiêm không chết số phận của tử tù sẽ ra sao?

Đây được coi là sự trừng phạt cao nhất nhưng cũng nhân đạo nhất của xã hội dành cho những tử tù khi được nhận 1 cái chết không có ‘đầu rơi máu chảy’ nhưng cũng không kém phần ám ảnh, răn đe.

Từ xa xưa con người biết răn đe tội ác bằng hình phạt “tử hình” đối với những kẻ phạm tội nghiêm trọng, cần loại bỏ khỏi xã hội. Các hình thức xử tử hình thô sơ ban đầu là: đóng đinh, đốt, đun sôi, chặt đầu, phanh thây, chôn sống, ném đá, tùng xẻo, voi giày, ngũ mã phanh thây, xẻ đôi người, lột da, cho hổ báo ăn thịt… Hiện đại hơn một chút, các tử tội được cho chết bằng ngồi ghế điện, phòng hơi ngạt, treo cổ, xử bắn… Những cách thức này từng gây nhiều tranh cãi, thậm chí nhiều ý kiến cứng rắn còn cho rằng các tử tù càng đau đớn khi chết càng tốt, nhằm tăng sức răn đe cho xã hội.

Thế nhưng xã hội ngày càng phát triển, khoa học ngày càng hiện đại cùng với đó là tinh thần nhân văn trong cộng đồng ngày càng cao, vì vậy việc thay thế cho những cách thức rườm rà, nhiều chi phí trước đó trong việc xử tử hình phạm nhân là cần thiết, trong đó hình thức tiêm thuốc độc là cách thi hành án nhanh gọn, tiết kiệm chi phí nhất và phần nào đó là nhân văn nhất. Chỉ với 3 loại thuốc độc: Thuốc làm mất tri giác; thuốc làm liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim là có thể thi hành án tử với các phạm nhân.

Tại nước ta, theo quy định thì việc thi hành án tử hình cũng sẽ sử dụng 1 liều gồm 3 loại thuốc trên chỉ dùng cho 1 người, do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Về trang thiết bị, phương tiện phục vụ thi hành án tử hình gồm: Giường nằm có các đai cố định tử tù; máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án.

Phạm nhân được đưa đến phòng thi hành án, cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Sau đó, cán bộ sẽ tiêm 3 loại thuốc vào tĩnh mạch của phạm nhân theo thứ tự. Trường hợp sau 10 phút mà tử tù chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng lần thứ 2, thứ 3. Nếu tiêm hết liều thuốc thứ 3 sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra quyết định tạm dừng thi hành án.

Tạm dừng thi hành án tức phạm nhân sẽ bị thi hành án vào 1 thời điểm khác chứ không phải dừng hoàn toàn hay trả tự do. Do đó vẫn đảm bảo được tính nhân văn và đặc biệt là sự công minh của luật pháp. Những tội phạm vẫn sẽ phải trả giá cho những tội ác mà họ đã gây ra theo đúng như quyết định của bản án đã được pháp luật định đoạt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*