“Nghề này dù không phải đi lại nhiều, được ngồi trong phòng máy lạnh nhưng lại gặp những tình huống trớ trêu mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu”, cô gái trẻ đang làm nghề livestream chia sẻ.
Livestream từ lâu đã không còn xa lạ đối với cộng đồng mạng. Đây là hình thức bán hàng mang lại doanh thu cao cho nhiều nhãn hàng, thương hiệu và ngày càng được ưa chuộng… Nghề livestream cũng theo đó mà trở thành công việc biểu tượng cho kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Công việc này cho phép chúng ta bắt đầu chỉ với một thiết bị có thể quay (đơn giản nhất là chiếc điện thoại di động) được kết nối internet. Chủ đề phát sóng có thể trải khắp các lĩnh vực như game, ăn uống, giải trí,… Đặc biệt bất cứ ai cũng có thể “lên sóng”, từ chị em nội trợ đến dân văn phòng, thiếu nữ 18 tuổi đến người đã qua tuổi 40… Song không phải ai cũng biết cách livestream để thành công, nhận được nhiều “mắt xem” và tạo ra doanh thu.
Ngọc Trang (23 tuổi, Hà Nam) – có kinh nghiệm gần một năm trong nghề livestream thực phẩm chức năng cho biết: “Ngành công nghiệp livestream tại thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển nhưng cạnh tranh khốc liệt vô cùng. Nó cũng không hề dễ dàng “kiếm được tiền” như nhiều người đang nghĩ.
Nghề này dù không phải đi lại nhiều, lại được ngồi trong phòng máy lạnh nhưng lại gặp những tình huống trớ trêu mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu”.
Cô gái quê Hà Nam vốn tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh của một trường đại học top đầu cả nước. Song do thị trường gặp khó khăn, cô không thể tìm được công việc bản thân thấy yêu thích và phù hợp. Vì thế, cô đã thử sức với công việc livestream bán hàng cho một doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm chức năng với mức lương 100.000 đồng/giờ đồng hồ, cộng % doanh thu theo số lượng sản phẩm bán được.
Ngọc Trang (23 tuổi, Hà Nam) có kinh nghiệm gần một năm trong nghề livestream thực phẩm chức năng.
“Công việc của mình không gò bó như dân văn phòng, làm và ăn lương ngay trong ngày. Tức mình chỉ cần livestream xong là được chủ trả lương, còn % doanh thu theo sản phẩm bán được sẽ dồn dến cuối tháng.
Thường mình bắt đầu ca làm đầu tiên từ 11h đến 13h trưa – khung giờ có lượt tiếp cận cao, nhiều khách vào xem và mua sắm. Sau đó, mình tiếp tục ca 2 vào lúc 19h trong ngày cho đến khi không còn ai xem phiên live, có thể là 22h đêm hoặc lâu hơn thế”, Ngọc Trang chia sẻ.
“Xem ra công việc này khá nhàn nhã, không gò bó như làm văn phòng 8 tiếng mà thu nhập tương đối cao?”, khi được hỏi, Ngọc Trang đã nở một nụ cười chua chát. Cô nói: “Tính ra, mỗi ngày mình kiếm được 500.000 đồng nhưng hao tổn sức khoẻ lắm! Mình phải nói to với cường độ liên tục, không lúc nào ngừng nghỉ. Thậm chí mình nói khô cả họng, muốn uống cốc nước cũng không được vì có thể làm gián đoạn phiên live.
Mình không chỉ nói mà còn phải mô tả sản phẩm sao cho hấp dẫn để thu hút người xem, đánh đúng tâm lý để họ chốt đơn. Bạn thử hình dung, ngày nào cũng vậy thì sức khỏe bị ảnh hưởng như thế nào? Có hôm live xong, mình vừa đau họng lẫn đau đầu nhưng hôm sau vẫn phải tiếp tục công việc”.
Nhắc đến chuyện vì sao không quay video trước rồi phát trực tiếp sau để có thời gian nghỉ ngơi, cô gái 23 tuổi tiết lộ hiện có nhiều người làm theo cách thức đó nhưng lượng mắt xem và chốt đơn không hiệu quả bằng việc “đến giờ thì livestream”. Khi đó cô sẽ được tương tác với khách hàng, tạo cảm giác thân thiện, từ đó có thể chốt đơn một cách dễ dàng.
“Tương tác trực tiếp với người xem sẽ chốt đơn… ầm ầm nhưng cũng có bất tiện. Ví dụ mình đang giới thiệu sản phẩm, có người yêu cầu chào họ. Mình đành phải chào, sau đó hàng loạt người muốn được mình gọi tên họ, thế là phải gọi.
Có người còn oái oăm đến mức yêu cầu mình kết bạn Zalo để tư vấn cụ thể về sản phẩm. Mình vì miếng cơm manh áo nên đành đồng ý nhưng họ đâu có đặt hàng, lại chọc ghẹo hoặc gạ tình”, Ngọc Trang chia sẻ.
Khác với Ngọc Trang livestream thuê, chị Trần Hoa (30 tuổi, Hà Nội) quyết định nghỉ văn phòng, về nhà mở shop online bán đồ gia dụng trên Tiktok. Chị tự mày mò mọi thứ, từ lập kênh Tiktok cho đến chạy quảng cáo, cách thức livestream thu hút nhiều mắt xem.
“Tôi cứ ngỡ mình chuẩn bị đủ các kiến thức sẽ có những phiên live chốt được đơn. Vậy mà ngay hôm đầu mở bán, tôi không bán được sản phẩm nào dù giá rất phải chăng. Tôi nản lòng định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến chặng đường về sau đành phải gắng gượng.
Không có ai xem, tôi vẫn chào mọi người và giới thiệu từng sản phẩm một. Cuối cùng sau phiên live hôm đó, thành quả tôi thu được là vài chục tim của “người lạ””, chị Trần Hoa cho hay.
Tối hôm đó, người phụ nữ tiếp tục vào phiên live với hi vọng có khách hỏi mua sản phẩm. May mắn chị đã có người hỏi mua máy vắt cam giá 130.000 đồng, lãi 10.000 đồng. Chị mừng đến mức phát khóc vì đây chính là món hàng đầu tiên bán được trong sự nghiệp livestream trên Tiktokshop.
“Với tôi đó giống như một lời động viên rằng sau này sẽ bán được nhiều hàng, sẽ có nhiều người xem live. Bởi vậy tôi mừng lắm, vừa hết phiên đã khẩn trương lấy hộp đóng gói cẩn thận để mai gửi cho họ. Tôi cũng không quên nhắn gửi đôi lời cảm ơn họ đã ủng hộ mình. Tôi chẳng thể quên được ngày đầu tiên đến với công việc này”, chị Trần Hoa chia sẻ.
Hôm sau chị Trần Hoa dậy từ sớm kiểm kê hàng, sau đó tiến hành phiên livestream vào lúc 9h sáng đến trưa muộn. Chị kể vì bản thân không có thói quen ăn sáng nhiều nên khi làm việc với tần suất nói liên tục, không nghỉ ngơi phút nào đã khiến cơ thể rơi vào tình trạng “hoa mắt chóng mặt”. Khi ấy, chị vẫn cố để hoàn thành công việc nhưng cuối cùng chẳng có một đơn hàng.
“Lúc đó tôi thực sự nản vì một mình làm tất cả, không có ai phụ giúp nên oải lắm. Nhưng tôi bỏ cuộc sẽ bị mọi người cười chê bởi thời điểm xin nghỉ văn phòng đã có nhiều người ngăn cản, nói rằng nghề livestream không đơn giản”, chị Trần Hoa nói.
Để lại một bên những ý kiến bàn lùi, người phụ nữ Hà thành vẫn miệt mài livestream bán hàng, chấp nhận “nói chuyện một mình” với niềm tin có một ngày sẽ thu hút được nhiều người xem, chốt đơn… ầm ầm như bao người khác. “Không có mắt xem, không có người bình luận, tôi vẫn nói chuyện và giới thiệu các mặt hàng của shop. Dần dần có người vào xem và ủng hộ đặt cái này cái kia. Từ đó tôi bắt đầu có đơn dù tiền lãi rất ít.
Sau đó tôi quyết định tung chiêu đại hạ giá, bán các sản phẩm 1k, 9k để thu hút khách hàng. Giờ đây phiên live nào tôi cũng chốt được đơn. Đó coi như là bước đầu thành công của công việc này”, chị Trần Hoa chia sẻ.
Để lại một phản hồi