Cung cấp bom chùm cho Ukraine có thể sẽ là bước đi sai lầm của Mỹ

Mỹ đã cung cấp số lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, nhưng đây là lần đầu tiên Washington quyết định gửi cho nước này bom chùm.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 chính thức thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine bom chùm – một động thái gây nhiều tranh cãi vì loại bom này đã bị hơn 120 quốc gia cấm do lo ngại nguy cơ rủi ro đối với dân thường. Theo giới phân tích, việc chuyển giao loại vũ khí này có thể là bước đi sai lầm của chính quyền Biden.

Bom chùm là vũ khí cực kỳ nguy hiểm, đã bị đưa vào danh sách cấm chuyển giao. Ảnh: CBC
Thông điệp gửi tới Nga trước thềm thượng đỉnh NATO

Thất vọng trước cuộc phản công của Ukraine, Mỹ đang tìm mọi cách để đảo ngược kết quả trên chiến trường, trong đó có việc cung cấp loại bom cấm. Điều đáng chú ý là thông báo trên được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Vilnius vào tuần tới. Tại hội nghị này, Mỹ và NATO được cho là đang lên kế hoạch gia tăng vai trò của họ đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.

Bị đẩy vào thế khó bởi những diễn biến không mong muốn trên chiến trường Ukraine, chính quyền Biden buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn bao giờ hết. Mục đích của việc sử dụng bom chùm là gây sát thương đáng kể cho đối phương. Các quả bom có thể được thả từ máy bay, phóng từ tên lửa hoặc các hệ thống pháo, để tiêu diệt xe tăng, trang thiết bị quân sự, nhân lực của đối phương và cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu. Nhiều nhà phân tích suy đoán, với quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine trước thềm thượng đỉnh NATO, Mỹ dường như muốn gửi thông điệp tới Nga rằng NATO sẽ không dừng lại trước bất cứ điều gì, hay nói cách khác, họ sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu.

Trong cuộc họp báo ngày 7/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bảo vệ quyết định gửi bom chùm tới Ukraine, coi đây là một biện pháp ngăn chặn thảm họa quân sự.

“Nguy cơ dân thường bị tổn hại sẽ rất lớn nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, giành thêm lãnh thổ do Ukraine không có đủ đạn pháo”, ông Jake Sullivan nêu rõ.

Ngoài ra, ông Jake Sullivan khẳng định, chính phủ Ukraine “đã đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ sử dụng bom chùm một cách rất cẩn thận” để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Mỹ mắc sai lầm lớn?

Động thái trên diễn ra hơn một tháng sau khi Ukraine phát động cuộc phản công lớn mà truyền thông phương Tây kỳ vọng tạo ra “những đột phá quan trọng”. Thế nhưng Kiev đã chịu tổn thất nặng nề trong khi đạt được rất ít bước tiến ở giai đoạn đầu của cuộc phản công, còn Mỹ loay hoay thực hiện hết bước đi này đến bước đi khác nhằm tiếp sức cho quân đội Ukraine.

Ông Mark Cancian – Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C cho rằng, bom chùm có thể giúp Ukraine đẩy mạnh cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất và trước đó Kiev đã yêu cầu phương Tây cung cấp loại vũ khí này để bắn vào các chiến hào của Nga. Nhưng ông Cancian lưu ý, bom chùm không phải là vũ khí “thay đổi cuộc chơi” và “không một loại vũ khí đơn lẻ nào có thể tạo ra chiến thắng”.

“Không có bất cứ một loại vũ khí nào có thể làm thay đổi cuộc chơi. Mỹ luôn hy vọng một số loại đoạn dược hoặc vũ khí nào đó cung cấp cho Ukraine sẽ giúp họp chiến thắng. Đã có những cuộc thảo luận về hệ thống tên lửa Patriot, về xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay chiến đấu F-16 và giờ là bom chùm. Những vũ khí này khá hữu ích và khá hiệu quả trên chiến trường, nhưng chúng không thể giúp Ukraine có được chiến thắng”.

Theo nhà phân tích này, “vấn đề đối với bom, đạn chùm là tỷ lệ phát nổ thấp. Bởi vì những loại bom, đạn này phát tán một số lượng lớn bom con. Tỷ lệ nổ sẽ phụ thuộc vào cách chúng được thả. Thông thường tỷ lệ chưa phát nổ chiếm 2% và những quả bom chưa nổ sẽ gây nguy hiểm cho người dân”.

Các loại bom chùm của Mỹ cũng không ngoại lệ. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder cho biết, Bộ Quốc phòng đã tiến hành thử nghiệm các loại bom chùm trong kho vũ khí và những loại mà Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine sẽ không bao gồm các biến thể cũ với tỉ lệ chưa phát nổ cao hơn 2,35% – nghĩa là cứ 2 quả bom mẹ được phóng đi thì có khoảng 3 quả bom con chưa phát nổ nằm rải rác ở khu vực có mục tiêu. Nhưng tỷ lệ bom con chưa phát nổ được quan sát trong chiến đấu cao hơn 7 lần con số trên, Washington Post lưu ý. Nhận thức được sự nguy hiểm của bom chùm, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm chuyển giao bom chùm có tỷ lệ chưa phát nổ trên 1%.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động rà phá bom mìn và vật liệu chưa phát nổ trên thế giới. Riêng trong năm 2022, nước này đã đóng góp 213 triệu USD cho hoạt động này.

Báo Washington Post dẫn lời 2 thượng nghị sỹ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ cho rằng, việc Tổng thống Biden chấp thuận cung cấp bom chùm cho Ukraine là sai lầm nghiêm trọng. Điều đó không chỉ đảo ngược chính sách của Mỹ kéo dài hàng thập kỷ mà còn làm phức tạp thêm nỗ lực rà phá bom mìn trên thế giới. Chưa kể, quyết định trên sẽ đi ngược lại với lập trường của 2/3 số thành viên NATO cũng như nhiều đồng minh và đối tác khác vốn là thành viên của Công ước cấm sử dụng bom chùm.

Đáng lo ngại hơn, Mỹ có thể bị rạn nứt quan hệ với những đồng minh chủ chốt – vốn đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phòng thủ tập thể chỉ bởi một loại vũ khí mà lẽ ra Washington phải dẫn đầu nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn. Cuối cùng, quyết định cung cấp bom chùm có thể làm xói mòn sự ủng hộ của các quốc gia khác dành cho Ukraine và việc sử dụng chúng sẽ khiến Kiev bị lên án gay gắt.

Theo Hồng Anh/VOV

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*