Trò chuyện với Dân Việt, nhiều chuyên gia đã nhớ lại thời điểm được làm việc cùng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan với rất nhiều quan điểm tiến bộ. Và nhờ sự đổi mới đến tận tuỵ của ông, nền kinh tế Việt Nam sau đổi mới đã từng bước hội nhập với các nền kinh tế thế giới như ASEAN, WTO…
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS, TS KH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới cho rằng: Nói về nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, có thể nói “đây là một con người đổi mới đến tận tuỵ”, vì ngồi nói chuyện với ông ấy đổi mới sẽ rất cuốn hút, không bao giờ hết.
Người ưa thích nói về đổi mới, nhân vật đổi mới đến tận tuỵ
Ông Lược kể: “Khi chúng tôi làm ở Tổ tư vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ấn tượng nhất của tôi về ông ấy là người dễ gần và biết lắng nghe, tư duy khúc triết và cầu thị. Về ngoại giao, ông Vũ Khoan là người ủng hộ Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế, quán xuyến từ đầu đến cuối, chưa bao giờ tỏ ý kiến phân vân.
Khi Đảng, Nhà nước có quan điểm làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước, anh Vũ Khoan ủng hộ hết và luôn chia sẻ về những vấn đề này với các nước là ủng hộ hết. “Từ thay đổi thái độ chính trị đến những hành động thực tế, không dễ gì chuyển biến ngay được. Phải có những con người như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mới có thể giúp Việt Nam có vị thế mở cửa, tham gia và hội nhập sâu rộng, được nhiều cường quốc đánh giá cao như vậy”, GS Võ Đại Lược nói.
Trò chuyện với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là một tấm gương sáng về lãnh đạo luôn tự học, tự rèn luyện, tích luỹ kiến thức, kinh tế, tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.
Theo ông Doanh, thời điểm năm 1990, thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới và khi đó đồng chí Vũ Khoan giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã tiên phong, báo cáo với Bộ Chính trị, Chính phủ về việc cần phải gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Doanh nhớ lại: “Khi đó chúng ta là nước vừa trải qua chiến tranh rất dài, ác liệt cho nên có người không sẵn sàng tiếp nhận phương trâm “biến thù thành bạn, khép lại tương lai” khá nhiều và chính đồng chí Vũ Khoan đã thuyết phục được họ, sau đó nước ta đã tham gia đàm phán gia nhập các tổ chức khu vực, quốc tế thành công”.
“Ấn tượng của tôi về nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người lãnh đạo khiêm tốn, biết lắng nghe người khác và luôn đi vào thực tế. Khi ở một cuộc họp, các đại biểu phát biểu, ông thường ghi chép rất tỉ mỉ và khi trình bày của mình, ông ấy thường nói rất cô đọng, xúc tích nói từng điểm một, rõ ràng!”, TS Doanh nói.
Theo TS Doanh, trong đời sống, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất khiêm tốn, không đòi hỏi gì về tiêu chuẩn của Nhà nước. Nhiều năm liền ông ấy sống ở ngôi nhà nhỏ mà GS, bác sĩ Hồ Đắc Di (bố vợ) ông để lại, mãi sau này mới chuyển đến ở nhà công vụ của trung ương ở Phan Đình Phùng.
“Viên gạch hồng” cho đổi mới từ ngoại giao đến kinh tế đất nước
Theo ông Doanh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có rất nhiều bạn của Liên Xô trước đây và sau này là Nga. Khi đi đàm phán ngoại giao với các nước, ông ấy cũng rất nhiều bạn phương Tây mà sau này đã trở thành những người giúp đỡ không chỉ riêng cho công tác ngoại giao của ông Vũ Khoan mà còn góp phần giúp Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước. Cách làm bạn của ông ấy là thân tình, cởi mở!
“Tôi nhớ có những hôm họp với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Vũ Khoan được mời tham gia, tôi thấy ông ấy luôn biết lắng nghe, thảo luận ý kiến xác đáng. Ông ấy nói chuyện hay trình bày không bao giờ dài dòng, nói thẳng vào vấn đề. Cách nói chuyện của anh Vũ Khoan không kiểu khoe chữ, khoe kiến thức, không bao giờ lạc đề”, ông Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc một nhà ngoại giao như vậy rất cần cho những việc thực tế, thẳng vào vấn đề. Người ta thấy ông ấy nêu vấn đề và phê phán vấn đề một cách rất tế nhị, khiến người bị chê như kiểu được nhận ra cái thiếu sót để cố gắng, cầu thị. Một nhà lãnh đạo mà tôn trọng năng lực cá nhân, hiểu cán bộ và biết khơi dậy khả năng của họ, cùng họ bước đi.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: Ông Vũ Khoan là người luôn có chủ kiến rõ ràng, mang tư duy đổi mới ngoại giao lẫn kinh tế.
“Có thể nói, thời kỳ Việt Nam vừa bước chân ra khỏi 3 cuộc chiến tranh chống Mỹ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, những người làm ngoại giao rất khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự linh hoạt, cầu thị của mình, ông Vũ Khoan cùng với những nhà ngoại giao tiền nhiệm của mình đã đặt viên gạch hồng, góp sức cho đổi mới ngoại giao, kinh tế. Ông góp phần mang hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới, mang tư tưởng hoà bình, Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước khác trên thế giới”.
Để lại một phản hồi