Cựu tiếp viên hàng không Việt kể trải nghiệm cay đắng khi ra nước ngoài

Lan Anh, cựu tiếp viên hàng không của hãng Emirates, từng có những trải nghiệm không vui khi tiếp xúc với những người có trình độ, quan điểm sống, thái độ sống khác nhau.

Lan Anh từng là tiếp viên hàng không của hãng Emirates (Dubai)

Làm việc cho một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới với hơn 3.600 chuyến bay mỗi tuần, Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1992, quê Hải Dương, hiện sống ở Hà Nội) đã học hỏi và mở mang thêm rất nhiều điều trong môi trường đa văn hóa. Tuy nhiên, đôi khi cô cảm nhận được sự “khinh khỉnh”, coi thường của một số người.

Cô nhớ nhất một tình huống trong chuyến bay từ New Zealand về Dubai (UAE). Khi cả đoàn tiếp viên đang ngồi nói chuyện phiếm để đợi chuyến bay bị trễ thì tiếp viên phó đi vào, tay cầm một chai nước rỗng.

“Lúc đó, một nhân viên mặt đất muốn nhờ tiếp viên đi lấy thêm nước cho họ. Mặc dù vị trí tôi ngồi xa khu bếp nhất, nhưng tiếp viên này đưa thẳng chai nước cho tôi và nói bằng giọng trịch thượng ‘đi làm đầy chai nước này’.

Khi ấy, tôi khá giận và phản ứng ngay: ‘Tại sao lại là tôi?’. Tiếp viên phó kia chưa kịp đáp, thì một nữ đồng nghiệp ngồi cạnh đó nói luôn: ‘Vì cậu là người châu Á’. Tôi rất bực mình và cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi nói luôn với đồng nghiệp: ‘Cậu tự làm đi, và đừng nói chuyện với tôi từ giờ đến cuối chuyến bay’. Tôi đi ra khỏi nhóm trong sự im lặng của mọi người. Sau đó, trên chuyến bay, cô ấy đến xin lỗi tôi và nói chỉ đùa thôi, không có ý gì.

Tôi bảo với cô ấy rằng, dù không chấp nhận lời xin lỗi nhưng tôi sẽ bỏ qua và không báo cáo lên công ty”.

Khi sống trong môi trường đa văn hóa, Lan Anh học được cách bảo vệ bản thân

Cựu tiếp viên hàng không – bây giờ đã trở thành cô giáo hàng không tâm sự, thực ra nhiều người rất thiếu tế nhị. Đặc biệt, khi họ thấy người châu Á hay nhẫn nhịn, hiền lành nên càng “được nước lấn tới”. Nên đôi khi, cô cũng phải “đanh đá” lại.

Cô giáo hàng không sinh năm 1992 tâm sự, trên các chuyến bay, đôi khi cô gặp cả những lao động nghèo người Việt. Các cô, các bác thường sang Dubai, Ảrập Xê-út để làm những công việc chân tay như giúp việc, sửa móng chân, móng tay…

“Trên những chuyến bay ấy, tôi thấy rất tội cho các cô vì các cô gần như không biết tiếng Anh, rất bỡ ngỡ trước một không gian mới lạ.

Người Việt mình lại hiền lành, không đòi hỏi nên nhiều khi các tiếp viên nước ngoài cũng không phục vụ các cô nhiệt tình hết mức có thể. Nhiều việc, lẽ ra họ phải giải thích cặn kẽ cho khách nhưng họ cố tình làm ngơ.

Chính vì thế, khi thấy người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung trên chuyến bay của mình, tôi luôn cố gắng phục vụ họ tốt nhất có thể”.


Sau khi nghỉ công việc tiếp viên hàng không, Lan Anh trở thành cô giáo chuyên đào tạo ứng viên cho các hãng hàng không trong và ngoài nước
Cũng từ những hình ảnh đã được chứng kiến khi còn là tiếp viên hàng không, Lan Anh luôn trăn trở: Tại sao người Việt Nam giỏi giang, thông minh như thế nhưng khi xuất khẩu lao động lại toàn chỉ thấy lao động tay nghề thấp? Làm thế nào để người Việt có nhiều cơ hội đi ra thế giới và có thu nhập cao hơn?

Đó là một trong những động lực thúc đẩy khiến Lan Anh trở thành một người đào tạo như ngày hôm nay.

Cô tự hào cho biết đã góp một phần công sức bé nhỏ của mình để đưa hàng nghìn bạn trẻ đến với nghề tiếp viên hàng không, từ đó chắp cánh để các bạn có cơ hội bay cao, bay xa hơn nữa.

Dù chỉ làm việc 3 năm ở Emirates nhưng cô cho rằng, đó là quãng thời gian mà cô đã học được nhiều nhất để có thể phát triển công việc của mình được như ngày hôm nay.

“Nghề tiếp viên hàng không giúp tôi từ một người ít nói, hướng nội trở thành một người thích trò chuyện và có khả năng giao tiếp tốt với mọi người. Thời gian phục vụ hành khách trên các chuyến bay cũng giúp tôi hiểu về con người hơn để sau này làm việc với con người tốt hơn.

Việc phải thích nghi với quá nhiều sự thay đổi khi làm công việc này cũng giúp tôi vượt qua những thách thức, thay đổi và bất trắc trong cuộc sống sau này”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*