Từ ngày 1/7, quy định về việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó sẽ có 2 đối tượng được cải cách tiền lương.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ rõ 2 đối tượng được cải cách tiền lương bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cụ thể nội dung cải cách tiền lương của các đối tượng như sau.
Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
Nội dung cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được định hướng như sau:
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Người lao động trong doanh nghiệp
Nội dung cải cách tiền lương với người lao động trong doanh nghiệp định hướng như sau:
Về mức lương tối thiểu vùng
Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.
Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế – xã hội.
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập
Các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.
Đối với doanh nghiệp nhà nước: Quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.
Để lại một phản hồi