Đồ án định hướng xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray dọc 2 bên sông Hồng, nhằm tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng kết nối tốt với tuyến xe buýt đường sông.
Đó là một trong những nội dung tại Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 14, khóa XVI được tổ chức từ ngày 5-8/12/20023.
Theo UBND TP. Hà Nội, Đồ án có nhiều điểm mới, thể hiện định hướng phát trong những năm tới của Thủ đô. UBND thành phố đã đưa ra 5 nội dung trọng tâm điều chỉnh và 9 đề xuất mới trong Đồ án này.
Cụ thể, về mô hình cấu trúc phát triển, Thủ đô Hà Nội sẽ có cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm), hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 01 trung tâm (khu vực nội đô); 03 vành đai (VĐ3, VĐ4, VĐ5); 08 trục hướng tâm (QL1, QL6, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 5, Hà Nội Bắc Ninh, quốc lộ 3, quốc lộ 2) và 01 trục không gian cảnh quan sông Hồng; 05 vùng đô thị nông thôn. Hệ thống đô thị gồm 1 đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống các thị trấn sinh thái nằm trong vùng hành lang xanh.
Hệ thống thống tàu điện treo 1 ray (ảnh minh họa)
Mô hình phát triển đô thị: chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm gồm:
– Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm. Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn)
– Thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai), các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên
– Thị trấn sinh thái và thị trấn
– Hệ thống đô thị: Phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Đặc biệt, Đồ án đã định hướng chi tiết vấn đề giao thông của thành phố trong những năm tới.
Cụ thể, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh bổ sung mạng lưới đường sắt đô thị, BRT đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu mới. Đồng thời, định hướng quy hoạch các tiện ích gắn với các ga đường sắt đô thị để tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị. Ngoài ra, thành phố cũng ưu tiên quỹ đất để xây dựng các điểm trung chuyển vận chuyển hành khách công cộng phục vụ nhu cầu của nhân dân,
Theo định hướng, Hà Nội cũng sẽ xây dựng các hành lang giao thông công cộng mới như: Tuyến kết nối chuỗi các đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Phú Xuyên; Tuyến kết nối Gia Lâm – Long Biên – Đông Anh – Mê Linh – Vĩnh Phúc; Tuyến kết nối Sóc Sơn – Đông Anh – Long Biên; Tuyến khép vòng kết nối trực tiếp liên thông giữa khu vực nội đô và thành phố Bắc sông Hồng trên cơ sở xem xét điều chỉnh tuyến đường sắt số 4; Tuyến kết nối vành đai 2 đi sân bay Nội Bài; Tuyến kết nối Yên Nghĩa – Xuân Mai.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ đề xuất xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng nhằm tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng kết nối tốt với tuyến xe buýt đường sông, làm triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng… Tại các điểm kết nối nhà ga sẽ được kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích Bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng…
Hà Nội cũng đề xuất khôi phục 2/6 tuyến đường sắt cũ do Pháp đã đầu tư xây dựng (Ngã Tư Sở – Bờ Hồ và Bờ Hồ – Thụy Khuê) dưới hình thức Tram Way (tàu điện trên mặt đất). Đây vừa là hình thức giao thông gần gũi với hình ảnh xe điện cũ, vừa có giá trị vận chuyển hành khách tốt hơn xe buýt, vừa có giá trị cung cấp dịch vụ du lịch, tham quan, kết nối các điểm du lịch lớn trong nội đô.
Theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, Hà Nội dự định bổ sung thêm các tuyến đường bộ kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đồ án định hướng dự định bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch (du thuyền trên sông) hành trình văn hóa di sản từ Đền Hùng-Sơn Tây-Hoàng Thành-Cổ Loa-Phố Hiến.
Đồ án sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để lại một phản hồi