Tin vui: Quân đội Việt Nam đã có Pantsir-S1 phiên bản mini

UAV, tên lửa hành trình và bom lượn ngày càng nguy hiểm, cần phải có vũ khí đặc trị. Hệ thống phòng không “mini Pantsir made in Vietnam” đã ra đời, nhưng thế là chưa đủ.

Tên lửa “mini Pantsir-S1 made in Vietnam” ra lò…

Trong những cuộc xung đột gần đây tại Syria, Libya, Yemen và đặc biệt là ở Nagorno-Karabakh, tên lửa hành trình và UAV bay thấp đột kích đã trở thành một chiến thuật mới, chứng minh hiệu quả rõ rệt, khiến bên phòng thủ gặp rất nhiều khó khăn để đối phó, thậm chí phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Nhận thức rất rõ xu hướng tác chiến tập kích đường không trong chiến tranh hiện đại tương lai, lực lượng phòng không tầm thấp của Quân đội Việt Nam gần đây đã được chú trọng đầu tư nhằm từng bước đưa vào trang bị các loại vũ khí thích hợp, có khả năng tạo lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp nhằm đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường tác chiến mới.

Bên cạnh việc nâng cấp, hiện đại hóa, tự động hóa các loại súng, pháo phòng không thì mới đây Kênh QPVN đã đưa tin về một trong những thành tựu mới nhất và đáng tự hào đó là CNQP Việt Nam đã ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới để chế tạo thành công tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-72 cơ động nhanh, đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại.

Dự án do Quân chủng PK-KQ cùng Viện KHCN Quân sự phối hợp triển khai đáp ứng các yêu cầu về tự động hóa, đảm bảo hiệu suất hỏa lực cao, hợp nhất thông tin mục tiêu từ đầu tự dẫn tên lửa và khí tài quang điện tử cho phép bắn mục tiêu kích thước nhỏ bay thấp bám địa hình một cách chính xác tương tự như nhiệm vụ của tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo.

Về tính năng của tên lửa A-72 (hoặc tới đây là tên lửa Igla-S tiên tiến hơn) không có gì thay đổi so với thiết kế nguyên bản, vẫn có thể vác vai phóng bình thường, tuy nhiên khi đưa ra xe thì chỉ cần thay đổi phần chuẩn bị phóng.

Tổ hợp có thể phóng được liên tiếp 4 quả với giãn cách phóng là nhỏ hơn 15 giây, tăng khả năng chống tập kích đường không ồ ạt.

… nhưng cần lắm một cú đột phá cực mạnh

Có thể nói để đạt được độ tinh xảo, chính xác và hiệu suất chiến đấu tuyệt hảo như Pantsir-S1 “xịn” do Nga chế tạo thì các nhà khoa học Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu nỗ lực và cần thêm nhiều thời gian nữa, nhưng tổ hợp “mini Pantsir-S1 made in Vietnam” đã đặt nền móng quan trọng cho những bước phát triển thần tốc sau này.

Tuy nhiên, rõ ràng kể cả khi đưa vào sản xuất loạt và trang bị các tổ hợp tên lửa cơ động nói trên thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng phòng không tầm thấp Việt Nam còn khá hạn chế do chúng ta chưa có trong tay những vũ khí tinh xảo kiểu như Pantsir-S1 chính hiệu.

Vì thế, trong tương lai gần, rất có thể Việt Nam sẽ cần có một bước đột phá lớn bằng vũ khí mới nhập khẩu nhằm khỏa lấp những hạn chế và tăng cường hỏa lực có khả năng cơ động nhanh – một trong những tiêu chí cốt lõi của nghệ thuật quân sự “phòng tránh, đánh trả” trong tác chiến “phi đối xứng”, đánh phục kích cũng ổn mà bảo vệ yếu địa cũng hay.

“Nhìn trước, ngó sau” trên thị trường vũ khí thế giới, có lẽ mỗi Pantsir-S1 và các phiên bản hiện đại hóa của chúng do Nga chế tạo là thích hợp nhất với phòng không Việt Nam bởi nó độc nhất vô nhị, không có loại tương tự chứ chưa cần so đến các đặc tính kỹ – chiến thuật.

Hệ thống phòng không này sở hữu tính đa năng, mục tiêu gì cũng bắn được, nhất là UAV, tên lửa hành trình và bom lượn – những đối thủ khó chịu của bất cứ lực lượng phòng không nào trên thế giới.

Qua các cuộc thử lửa ở những chiến trường nóng bỏng Syria và Libya, tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir (các phiên bản khác nhau) đã thể hiện được chất lượng, hiệu quả chiến đấu có thể nói là tuyệt vời, bẻ gãy nhiều đợt tập kích đường không bằng tên lửa hành trình, bom lượn hiện đại của Mỹ-Anh-Pháp-Israel, khiến UAV Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chào thua.

Hơn nữa, giá thành của mỗi tổ hợp Pantsir-S1 tương đối hợp lý, chỉ từ 15-20 triệu/USD, thích hợp với túi tiền của những quốc gia có ngân sách hạn chế như Việt Nam. Đặc biệt, chi phí cho mỗi phát bắn (đạn tên lửa) khá rẻ nhưng mang lại hiệu suất chiến đấu cao. Nếu Việt Nam mua Pantsir-S1 sẽ vẹn cả đôi ba đường.

Do Pantsir-S1 là vũ khí chiến thuật, chỉ dùng để phòng thủ ở tầm gần nên nếu Việt Nam đề nghị, chẳng có lý do gì phía Nga lại từ chối không bán.

Với kinh nghiệm khai thác vận hành các loại tên lửa phòng không do Nga/Liên Xô chế tạo, chắc chắn các kíp chiến đấu phòng không Việt Nam sẽ nhanh chóng làm chủ vũ khí mới (Pantsir-S1 hoặc phiên bản Pantsir-SM hiện đại hơn) mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Trong đó phiên bản Pantsir-SM được trang bị thêm nhiều “đạn con”, xứng đáng là sát thủ với UAV hiện đại.

Mong lắm một ngày đẹp trời nào đó lực lượng phòng không nước ta sẽ thực sự sở hữu những tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir chính hiệu do Nga sản xuất, bên cạnh những tổ hợp “mini Pantsir-S1 made in Vietnam”. Khi đó, lưới lửa phòng không tầm thấp Việt Nam thực sự có một cú đột phá cực mạnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*